Thực hiện nghi lễ tế cổ truyền. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Ngày 2/4, dưới trời mưa nặng hạt, hàng trăm người dân và du khách đã tham dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một hoạt động ý nghĩa không chỉ góp phần khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân, tưởng nhớ đến những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để tuân thủ, khai thác sản vật, cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với hai nội dung chính: Lễ tế cổ truyền và lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng).
Sau phần chủ lễ đọc sớ, lần lượt các dòng, tộc trên địa bàn xã An Hải có người thân ra sa trường năm xưa đã thực hiện nghi lễ cúng tế, rước các hình nhân (hình nộm) thế mạng và mô hình thuyền để thả trôi ra biển (hạ thủy).
Riêng phần lễ đua thuyền Tứ Linh có sự tham gia của gần 100 vận động viên, chia làm bốn đội. Các đội đua thuyền trong khoảng chiều dài 800m dọc bờ biển, mỗi thuyền phải hoàn thành bốn vòng đua để phân định đội về đích trước.
Cách đây 3-4 thế kỷ, hàng năm các chúa Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các phường An Vĩnh và An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vượt biển đến Hoàng Sa để khai thác hải vật quý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Khoảng cuối thế kỷ 16, hải đội Hoàng Sa được thành lập và được củng cố thành thủy quân Hoàng Sa. Hàng vạn thủy quân đã vượt qua bão tố, sóng gầm để đo đạc thuỷ trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ, khai thác hải vật và tài nguyên biển đảo./.
Theo TTXVN