Lãnh đạo chính quyền địa phương đến thăm hỏi mẹ
Đồng lòng đánh đuổi giặc thù
Có người hỏi “Giờ đây mẹ mong muốn nhất điều gì?”. Câu hỏi cứ đeo đẳng mẹ nhiều ngày, cho đến một chiều, nhìn những đứa trẻ tung tăng đi học về trong no đủ, bình yên, tôi chợt nhận ra cuộc sống của mình thật đủ đầy. Mẹ nói mẹ hạnh phúc hơn rất nhiều người, vì giờ đây mẹ được sống trong sự bảo bọc của bà con lối xóm, sự quan tâm chăm sóc của con cháu và chính quyền địa phương. Cuộc sống của mẹ giờ đây không còn mong muốn gì hơn, có chăng chỉ là những hoài niệm một thời hào hùng, anh dũng đã qua, nhớ thương những người đã mãi mãi ra đi.
Tuổi thơ của thế hệ trẻ trước đây gắn với những tháng năm đất nước chiến tranh gian khó. Với các bạn trẻ vùng đất Phú An anh dũng, truyền thống cách mạng luôn thấm nhuần trong mỗi con người. Ở tuổi thiếu niên, nhiều người đã tham gia các đội tiếp tế liên lạc hoặc thiếu niên tiền phong. Gia đình thuần nông nên mẹ rất thuần thục công việc đồng ruộng, sản xuất lương thực, qua đó cũng là cách đóng góp cho cách mạng.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp mẹ tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ xã, mẹ cùng đồng chí, đồng đội cùng nhau đào địa đạo, tiếp tế lương thực, tải đạn. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, không chỉ tiếp tế lương thực, nhà của mẹ còn nuôi bộ đội, nấu cơm phục vụ cơ sở. Thời đó vất vả, sinh mạng của mình như ngàn cân treo sợi tóc, sống đó thì biết đó thôi đâu biết chết lúc nào, nhưng trong lòng mỗi người đều hừng hực tình yêu quê hương đất nước, ai cũng quyết đồng lòng đánh đuổi giặc thù.
“Nhưng rồi như bao phụ nữ, lớn lên, tôi có chồng, sinh con, thời gian cống hiến cho cách mạng không nhiều nên tôi nung nấu truyền đạt cho các con. Tôi có 10 người con, chồng và 2 đứa con trai thứ ba, thứ tư đã hy sinh trong thời chiến. Tôi tự hào về chồng và các con vì từ tuổi niên thiếu họ đã tham gia cách mạng. Con tôi giác ngộ cách mạng rất sớm, 12, 13 tuổi tụi nó đã xin cha mẹ cho con theo cách mạng. Thương con còn nhỏ dại nhưng ngày đó ở đất Phú An này, đứa nào lớn lên chút xíu cũng đều đi theo cách mạng nên tôi cũng khuyến khích, động viên, hướng dẫn con đi làm liên lạc. Thằng hai rồi thằng ba chúng nó được bà con dân làng nuôi lớn, được cách mạng dạy cho trưởng thành. Cả hai con tôi đều hoạt động tại Tiểu đoàn Phú Lợi, đứa thì làm chiến sĩ trinh sát, đứa thì làm tiểu đoàn phó. Tôi tự hào về sự trưởng thành và đóng góp cho cách mạng của các con”, mẹ Bưng tâm tình.
Mong đất nước luôn yên bình
Nhưng thời chiến mà, ai biết trước điều gì xảy ra. Mỗi ngày các con đi là một ngày mẹ sống trong nơm nớp, lo lắng không yên. Rồi cái điều mẹ lo sợ nhất cũng đã xảy ra. Cuối năm 1968, con trai Nguyễn Văn Lào của mẹ đã anh dũng hy sinh. Năm đó đất Phú An này biết bao người đã hy sinh, hy sinh trong trận chiến thì nhiều mà chết vì đạn lạc cũng không ít. Người sống không biết chết lúc nào, còn người chết thì có được chôn cất tử tế gì đâu. Con mẹ cũng vậy, hay tin con chết mẹ tìm mọi cách mà vẫn không tìm thấy xác nó đâu. Đau lòng vì con hy sinh mẹ ray rứt, dằn vặt vì không tìm được xác con, biết nó bơ vơ chốn nào, nó còn nhỏ quá mà, khi hy sinh nó mới 16 tuổi. Nỗi đau này chưa nguôi ngoai thì mẹ lại phải gánh thêm nỗi đau khi con trai thứ tư Nguyễn Văn Mọi hy sinh năm 1969. Cả hai con trai mẹ đều hy sinh khi còn nhỏ.
Niềm an ủi lớn của mẹ bây giờ là các con mẹ rất tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Thằng Út vẫn thường kể cho mọi người nghe nỗi đau của mẹ khi ba nó hy sinh. Ngồi bên cạnh, anh Nguyễn Văn Hùng tiếp lời mẹ với giọng nghẹn ngào: “Ba bị địch phục kích, ba không chịu đầu hàng, ba chạy 3 - 4km thì bị địch bắn. 3 ngày sau địch rút đi anh em đồng đội mới đi kiếm nhưng không tìm được, má đi tìm một mình thì thấy xác ba giữa lùm tre, má lặng lẽ một mình tự tay chôn cất ba, xong về má khóc dài đường nhưng khi về nhà má không hề nói là ba mất hay gì hết”.
Giờ đây các con đều khôn lớn trưởng thành, có cuộc sống kinh tế ổn định, mẹ vui vì mỗi ngày nhìn thấy sự phát triển của quê hương. Ngày xưa vùng đất Phú An chỉ có vài mái nhà, giờ nhà san sát, đông vui, con cháu sống trong no đủ, yên bình. Mỗi ngày mẹ được sống trong sự thương yêu quý trọng của mọi người, được vinh danh mẹ Việt Nam anh hùng mẹ rất vui vì sự tri ân kính trọng đó. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mẹ cầu mong quê hương, đất nước này, những người con đất Việt hiền hòa, đôn hậu sẽ mãi mãi không phải đối mặt với chiến tranh, sẽ không có người mẹ nào phải sống trong niềm tự hào, nỗi đau lẫn lộn. Bởi mẹ hiểu người phụ nữ đâu ai muốn được tôn vinh từ sự hy sinh mất mát của chồng, con.
CHẤN HƯNG