Như vậy, sau lần thất bại tại giải Vietnam Challenge 2015 tại TP.HCM, Hoàng Nam tiếp tục chưa cho thấy sự tiến bộ của mình như chờ đợi của người hâm mộ. Sau thành công với ngôi vô địch đôi nam trẻ tại giải Wimbledon 2015, Hoàng Nam nhận được kỳ vọng lớn sẽ tiếp tục những bước phát triển vượt bậc hơn nữa để có thể vươn lên tốp 500 trên bảng xếp hạng ATP (hiện tại Nam đang xếp thứ 1048) và sau đó là tốp 300 của ATP. Theo quy định, sau khi hết năm 2015, Hoàng Nam sẽ không còn được thi đấu ở các giải trẻ (ITF Junior) mà tay vợt của Bình Dương từng nhiều lần chinh phục thành công với các ngôi vô địch tại Thái Lan, Malaysia, Anh (Wimbledon 2015)… mà phải chuyển sang thi đấu ở hệ thống giải ATP (dành cho các tay vợt chuyên nghiệp) và các giải Men’s Futures hay trình độ cao hơn một chút là các giải Challenge.
Và như đã biết, ngay trong những giải đấu đầu tiên của Challenge, Men’s Futures, Hoàng Nam đã cho thấy mình đang bị “ngộp”. Đây là điều hết sức bình thường trong quần vợt và các tài năng trẻ cần phải vượt qua mà Udomchoke của Thái Lan từng là điển hình. Udomchoke (từng xếp thứ 77 ATP) đã phải mất 6 năm mới có thể lần đầu tiên vượt qua vòng loại một giải Grand Slam. Tay vợt này thổ lộ, trong 6 năm đó, anh phải trải qua hàng trăm giải đấu có mức độ khó khác nhau để tích lũy kinh nghiệm và cải thiện trình độ chuyên môn. Vấn đề là Udomchoke hay Sprichapan (từng xếp hạng 9 thế giới) không hề đơn độc mà đứng sau lưng các tay vợt này là các tập đoàn kinh tế, các hãng dụng cụ trang phục thể thao có những hợp đồng tài trợ để bảo đảm nguồn lực trong việc thuê các ê-kíp chuyên gia nước ngoài để huấn luyện - chỉ đạo thi đấu, tập huấn quốc tế; ăn nghỉ - thi đấu tại các giải thuộc Men’s Futures, Challenge, ATP Tour, Grand Slam với mật độ trung bình khoảng 3 giải quốc tế/tháng. Liên đoàn quần vợt quốc gia của Thái Lan không hề đứng ngoài cuộc mà thể hiện vai trò trong việc xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo các trung tâm đào tạo quần vợt và nhất là đăng cai tổ chức hàng loạt các giải quốc tế để cho các tay vợt được va chạm, thi đấu liên tục.
Nhìn vào trường hợp của Hoàng Nam, hiện nay tay vợt này gần như chỉ có mỗi mình Tổng Công ty Becamex IDC chống lưng, chịu trách nhiệm lo toàn bộ kinh phí trong tập luyện, tập huấn quốc tế và thi đấu nước ngoài của tay vợt số 1 Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ mỗi mình Becamex IDC đơn độc trong việc vun trồng, chăm sóc tài năng Lý Hoàng Nam thì sẽ là rất khó để tạo lực đẩy lớn hơn, bởi đơn vị này còn nhiều nhiệm vụ khác, trong đó một phần là đầu tư cho đội bóng Becamex Bình Dương. Theo hình mẫu, một tay vợt như Hoàng Nam cần phải có 3 HLV giỏi, một người lo chuyên môn chính, 1 người phụ trách vấn đề thể lực, 1 chuyên gia lo phát triển các kỹ năng (cải thiện các ngón thế mạnh sở trường hoặc hạn chế yếu điểm) và cần có ít nhất 2 giải đấu quốc tế/ tháng… Mong là Hoàng Nam sẽ nhận được sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, nhiều đơn vị để có thể làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường quốc tế ở mặt trận quần vợt nhà nghề!
CHÍ THANH