Năm tôi bảy tuổi, má lấy chồng. Lễ thành hôn của má là một bữa cơm thịnh soạn, có cả hai cậu con trai của ba dượng. Trong bữa cơm “định mệnh”, má ôm hai cậu con trai ấy vào lòng, tuyên bố: “Đây là các con của má”.
Má bắt đầu “tút” lại cho hai anh từ đầu tóc đến bộ đồ. Các anh học không giỏi, má làm mọi cách chuyển hai anh từ trường huyện vào trường điểm của quận. Cái gì tôi đã có, má cũng sắm sửa cho các anh bằng được. Với tôi, má “cất” hết những lời nựng nịu. Trước mặt cả nhà, má có thể thẳng tay đánh đòn tôi chỉ vì một chuyện cỏn con. Để rồi, ngay đêm đó, má lẳng lặng qua phòng, vừa xoa dầu lên lằn roi trên người tôi, vừa hết lời dỗ dành, xin lỗi.
Những thứ mua sắm mới cho tôi, má rất dè dặt, miễn cưỡng. Một lần hiếm hoi được má mua cho chiếc ba lô hình con ếch, tôi trở thành tâm điểm khi bọn trẻ trong xóm, trong đó có hai anh, xúm lại xuýt xoa, thích thú. Tôi đang hào hứng ba hoa về cái cửa hàng bán đầy ba lô hình con vật thì má ở đâu xông tới, giật phăng ba lô con ếch ra khỏi tay tôi, trợn mắt: “Bậy bạ! Cái này của bà nội mua, sao nói của má?”. Bị tuột mất món đồ yêu thích trong ánh nhìn đầy đe dọa của má, tôi bật khóc tức tưởi. Ngay sau đó, má mua cho hai anh mỗi người một cái ba lô y hệt, tôi buồn lòng không thèm đeo nó nữa.
Nhà không thiếu thốn đến mức phải nhịn ăn, nhưng mỗi lần cơm hụt một chút, tôi lại được “lệnh” phải ăn bớt lại, nhường phần cho hai anh. Những lần như thế, má lén nhét vào ba lô của tôi vài đồng tiền lẻ, dặn “lên trường ăn bù”. Hôm bị đánh đòn vì giành ăn với anh ba, tôi cầm mấy đồng tiền lẻ má “cho bù”, bỏ chạy qua nhà dì út, ở lì không thèm về. Hôm ấy, dì gọi má sang, trách cứ, kết tội má là “má mìn”. Má kiên quyết dắt tôi về, vừa đi vừa tuyên bố: “Má mìn còn hơn má ghẻ!”.
Một lần, thấy bạn học cầm một nắm quả óc chó vừa đi vừa ăn, tôi thèm thuồng nhìn không chớp mắt. Má liền chở tôi chạy thẳng ra tiệm, mua cho một hộp y chang, bắt tôi ăn cho hết rồi mới chở về nhà. Tôi ăn hoài không hết, má đành “thỏa hiệp”, cho phép tôi vừa đi vừa ăn. Nhưng, đến đầu hẻm nhà mà tôi ăn vẫn chưa xong, má không buồn giải thích lý do, cương quyết bắt tôi vứt cái hộp đi.
Những câu chuyện lạ lùng như thế cứ chắp vá nhau, tạo nên một khoảng cách vô hình giữa tôi và má. Tới tận khi vào đại học, tôi mới được má thuê cho căn phòng bên ngoài để sống riêng. Mỗi lần nhớ lại quãng thời gian ấu thơ, tôi chỉ thấy hình ảnh má chỉn chu chăm sóc các anh, còn mình thì thu lu ở một góc nào đó. Tình cảm má dành cho tôi cứ đứt đoạn, như câu nói nửa chừng, cụt lủn.
***
Hôm nay, tấm ảnh chụp chiếc xe má tặng vừa được đăng lên Facebook, điện thoại tôi liên tục rung lên báo tin nhắn. Má nhắn: “Xóa ảnh đi, không thì phải viết thêm vô cho người ta tin là của bà nội tặng, không phải của má”. Tin nhắn chưa được trả lời, chừng như sốt ruột, má nhắn tiếp: “Nghe lời má…”.
Tôi ôm điện thoại, khóc ròng. Một vở kịch cả tôi và má đều phải vào vai suốt một đoạn đời dài. Tôi chợt nhớ đến cái lần cách đây hơn mười năm, sau một buổi chợ cao hứng mua cho tôi một đôi giày giá hơn trăm ngàn, má đột nhiên chở tôi qua nhà nội, gửi ở đó đến tận chiều mới đón về. Chiều hôm ấy, khi trở về từ nhà nội, đôi giày mới của tôi mặc nhiên được “hợp thức hóa”. Hai anh bây giờ thành đạt, đi đâu cũng khoe má là “cái bánh đúc có xương”. Còn má, mặc cảm “má ghẻ” đeo bám suốt đời, khiến má cứ cố công khỏa lấp tình thương giữa con đẻ và con chồng.
Theo PNO