“Mãi lộ” về đêm - Kỳ 1

Cập nhật: 26-12-2014 | 10:02:38

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của các tiểu thương

Theo nguồn tin phản ánh về tình trạng một số đối tượng chặn đường tiểu thương để “làm tiền”, P.V Báo Bình Dương đã có mặt tại khu chợ 434, thuộc phường Bình Hòa, TX.Thuận An để tìm hiểu sự việc. Hàng chục tiểu thương buôn bán hàng bông dù bận rộn nhưng vẫn dành thời gian để chia sẻ về những câu chuyện mưu sinh lúc đêm về. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả đều có chung nỗi bức xúc khi nói về những “kẻ ăn đêm” mà mình từng chạm mặt…

Một số tiểu thương buôn bán hàng bông tại chợ 434, phường Bình Hòa, TX.Thuận An kể lại việc bị bắt xe khi đi lấy hàng ban đêm. Ảnh: P.V

Nỗi ám ảnh…

Chị L.T.A., một tiểu thương có hơn 10 năm buôn bán hàng bông cho biết thời gian đầu, do không có vốn nên chị bán vài bó rau để mưu sinh qua ngày. Dần dà chị mở hẳn một sạp hàng bông bán rau, củ, quả tại chợ 434. Mỗi đêm vợ chồng chị đánh xe lôi đến chợ đầu mối thực phẩm Thủ Đức (các tiểu thương quen gọi là chợ đầu mối - P.V) để lấy hàng. Dù trời mưa hay trời ráo, cứ khoảng 2 giờ 30 phút sáng là vợ chồng chị đánh xe từ nhà ở TX.Dĩ An đến chợ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM mua hàng.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thời gian gần đây, mỗi đêm đẩy xe ra đường vợ chồng chị lại thấy sợ! Không biết từ bao giờ, bóng dáng những “kẻ ăn đêm” bỗng trở thành nỗi ám ảnh những tiểu thương như vợ chồng chị. Chị A. kể: “Chúng tôi buôn bán chẳng được bao nhiêu, vậy mà mỗi đêm họ đều bắt xe lại để “xin” tiền. Khi thì năm chục, một trăm, khi lại vài trăm ngàn. Chúng tôi mà không đưa tiền thì họ dọa đưa xe về phường. Nếu xe mà bị đưa về phường coi như mất. Khổ thân chúng tôi lắm…!”.

Cũng theo anh N.T.T. (chồng chị A.), với những người buôn bán như anh chị, vất vả lắm mới gom góp mua được chiếc xe lôi, mất xe coi như mất đi phương tiện làm ăn. Chính vì lo sợ mất xe nên mỗi khi bị dọa, anh chị đều “móc” túi đưa tiền để được thả xe, cho đi…

Cùng nỗi bức xúc với vợ chồng anh T. là vợ chồng anh N.T.N., một tiểu thương hàng bông khác. Anh N. thường đi chợ đầu mối lấy hàng vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng mỗi ngày. Khác với vợ chồng anh T., những ngày đầu thấy mình thường bị bắt xe ở tuyến xa lộ Hà Nội, đoạn gần cầu vượt Sóng Thần, thuộc phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức nên anh N. đổi hướng qua đường Bình Chiểu. Nào ngờ, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. “Tôi cũng quan sát kỹ lắm nhưng tránh không được. Nhiều khi họ đứng đâu đó trong góc tối, bất thình lình xuất hiện với chiếc dùi cui rồi chặn xe tôi lại. Cách đây vài ngày (tháng 9-2014 - P.V), tôi bị họ bắt lại và đòi tiền cà phê 400.000 đồng. Vì vội đi chợ và sợ bị bắt xe nên tôi đưa tiền…”, anh N. cho biết.

Đủ lý do để “bắt”

Với lý do xe lôi, xe ba gác không được phép lưu thông trên đường, với lý do chủ tịch phường đã ra văn bản cấm đi xe lôi… Những người mặc sắc phục nhưng không đeo bảng tên đã ngang nhiên chặn xe tiểu thương rồi vòi vĩnh, đòi “tiền cà phê” một cách trắng trợn. Đối với trường hợp “ngoan cố, không chịu đưa tiền” thì nạn nhân sẽ bị đưa xe về phường (phường Bình Chiểu - P.V). Và một khi xe đã bị dẫn đi thì những tiểu thương hiểu rằng mình đã mất phương tiện mưu sinh.

Chị N.T.P., một nạn nhân từng bị “ăn tiền” tại hai cung đường này cho biết, trong một lần bị bắt xe, chị đã không chịu đưa tiền. Vậy là… mất xe. Sau đó, để có phương tiện đi lấy hàng mà không bị bắt mỗi đêm, vợ chồng chị đã quyết định mua xe tải nhỏ. Có một thực tế là để tránh bị thu xe, không còn cách nào khác là họ phải chấp nhận một sự thật: Phải “sống chung” với thực trạng “mãi lộ” về đêm. Vậy, những “kẻ ăn đêm” là là ai? (Còn tiếp)

-------

Đoạn ghi âm đối thoại giữa chị L.T.A. và một nhóm đối tượng (được cho là gồm 3 người, trong đó có 2 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố) thực hiện ngày 28-5-2014 trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần cầu vượt Sóng Thần, thuộc địa phận phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức

Đối tượng 1: Đã nói là xe này cấm chạy rồi mà.

Chị L.T.A: Bọn em đi có một tí bọn em về, có 4 bao rau heo thôi mà. Cho em đi một tí thôi…

Đối tượng 1: Bây giờ không nói nhiều. Đã nói cấm chạy là cấm chạy.

Chị L.T.A và chồng: Có 4 bao rau heo, bọn em có buôn bán gì đâu. Trong vòng chưa đến 1 tiếng bọn em quay lại. Có 4 bao rau heo mà mọi bữa bắt em 70 ngàn bạc. Đi sớm không được, đi muộn cũng không xong…

Đối tượng 1: Không cần biết, chỉ biết cấm xe lôi chạy rồi, cứ chạy hoài. Đưa chút tiền uống cà phê …

Chị L.T.A: Em chỉ đem có 100 ngàn bạc vô chợ, không có đem nhiều đâu!

Đối tượng 2: Tháo ba ga ra H…

Đối tượng 1: Lẹ đi, để ông kia ổng xuống là mệt đó. Ổng sắp xuống tới nơi kìa!

Chị L.T.A: Khổ thân em, em đi mua mấy bao rau heo chứ có nhiều đâu. Cho em xin!

Đối tượng 2: Lên chủ tịch đó. Chủ tịch phường chỉ thị vậy đó!

Chị L.T.A: Phường nào anh?

Đối tượng 2: Phường Bình Chiểu đó, một trăm mấy chục chiếc bị bắt nằm trển. Tui đưa xe bà về phường đó.

Chị L.T.A: Cho em xin đi. Em không có nhiều tiền đâu. Còn không cho quay lại đi, không đi nữa đâu. Có mấy bao rau heo mà!

Đối tượng 1: Tui đem xe về phạt bà luôn đó!

Chị L.T.A: Cho em xin đi. Khổ!… Chỉ có mấy bao rau heo thôi mà!

Đối tượng 2: Tôi không cần biết mấy vấn đề đó. Đã nói là cấm mà xin cái gì, tránh ra!

Theo lời nạn nhân, thay vì nộp tiền như những lần trước để được “cho qua”, lần này chị A. đã “kèo nèo” không chịu đưa số tiền lớn hơn 100.000 đồng nên đã bị đưa xe về phường. Sau khi bị bắt xe, vợ chồng chị mua xe lôi mới để tiếp tục mưu sinh.

-------

Thượng tá HUỲNH VĂN SEN, Trưởng phòng PV28, Công an tỉnh Bình Dương:

Bảo vệ dân phố là lực lượng bán chuyên trách

Bảo vệ dân phố (BVDP) là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn, nơi bố trí lực lượng công an chính quy, do UBND phường quyết định thành lập. BVDP có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật. Về vị trí, chức năng, quyền hạn và tổ chức của lực lượng BVDP đều được quy định cụ thể trong Nghị định 38/2006/ NĐ-CP ngày 17-4-2006 của Chính phủ về BVDP. Theo đó, quyền hạn của BVDP như sau:

- Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.

- Tham gia với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.

Về tổ chức của BVDP, mỗi cụm dân cư được thành lập một tổ BVDP. Tổ trưởng và các tổ viên tổ BVDP do đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư bầu ra. Mỗi phường được thành lập một Ban BVDP. Ban BVDP gồm trưởng ban, các phó trưởng ban và các ủy viên. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban BVDP là 5 năm. Trong nhiệm kỳ hoạt động của Ban BVDP, việc thay đổi, bãi miễn, bổ sung các chức danh của Ban BVDP nếu trưởng ban, phó trưởng Ban BVDP hoặc tổ trưởng và các tổ viên BVDP không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tập thể ban và nhân dân tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật thì Trưởng Công an phường báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND phường tổ chức họp tập thể Ban BVDP để lấy ý kiến đề nghị bãi nhiệm và làm thủ tục bầu người khác thay thế.

 

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1742
Quay lên trên