Mạnh tay xử lý hàng hóa không hóa đơn, chứng từ

Cập nhật: 16-09-2020 | 09:03:47

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-10-2020.

Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này Nghị định 98 chưa có hiệu lực nên vẫn còn rất ít người biết. Đặc biệt, các hoạt động buôn bán hàng hóa xách tay vẫn diễn ra bình thường. Khi được hỏi về việc sắp tới hàng xách tay sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, một người chuyên bán hàng xách tay không tỏ ra lo lắng mà còn cho rằng đã đôi lần bị xử phạt nhưng… không sao! Để đối phó, những người bán trưng bày một số mặt hàng chính ngạch nên khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng rất khó phát hiện được hàng xách tay tại cửa hàng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, Nghị định 98 thực chất là để cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185 về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành. Trong thời gian tới, cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là đối với một số mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cục cũng sẽ thường xuyên cập nhật những quy định mới, tham gia các khóa tập huấn của Tổng cục Quản lý thị trường để xây dựng phương án kiểm tra, quản lý chuyên đề đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa xách tay trong thời gian tới.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên