Trong năm 2011, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã mở mới gần 100 chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm và chuyển đổi gần 100 điểm, phủ khắp 40 tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ tính riêng từ giữa tháng 11-2011, ngân hàng này đã đưa vào hoạt động gần 20 điểm tại khắp các tỉnh, thành: Tiền Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bắc Giang... Giữa bối cảnh nền kinh tế còn bất ổn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kết quả này liệu có phần nào khẳng định tiềm lực của một ngân hàng?
Nếu như cách đây khoảng 5 năm, so với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Việt Nam có 2 thế mạnh lớn là mạng lưới và sự am hiểu địa phương thì tới thời điểm hiện tại, nhờ sự cẩn trọng và chiến lược thâm nhập thị trường bài bản, các ngân hàng nước ngoài ngày càng lấn sân do đó mạng lưới hoạt động trở thành thế mạnh duy nhất của các ngân hàng trong nước. Mặc dù có những quy định chặt chẽ của NHNN, hoạt động phát triển mạng lưới của các ngân hàng vẫn diễn ra vô cùng sôi động.
Xét về phía người dân, điều này mang lại nhiều thuận lợi. Cũng vì “ra ngõ gặp ngân hàng” mà việc sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại ngày càng trở nên quen thuộc. Không chỉ thuận tiện khi dễ dàng tìm thấy một điểm giao dịch, một ATM gần nhà, gần nơi làm việc..., khách hàng còn có nhiều cơ hội lựa chọn một trong số rất nhiều thương hiệu ngân hàng.
Về bản thân các ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới cũng là một kênh hữu hiệu để nâng cao thị phần. Tuy nhiên, theo quy định, khi cấp phép mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, NHNN xét đến rất nhiều yếu tố: kết quả kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, bộ máy quản trị, điều hành, cơ sở vật chất. Đặc biệt, NHNN luôn xem xét rất kỹ các điều kiện về an toàn hoạt động của ngân hàng trước khi cấp phép. Đây cũng là rào cản đối với một số ngân hàng thương mại trong năm 2011. Để mở rộng mạng lưới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, ngân hàng buộc phải phấn đấu bảo đảm đủ các chỉ tiêu yêu cầu. Nhìn từ khía cạnh đó, việc tăng số lượng chi nhánh, điểm giao dịch lại là một trong những động lực tăng trưởng của ngân hàng. Như vậy, với những động thái “nhấn phanh” của NHNN, quy mô mạng lưới ngày càng phản ánh sát hơn năng lực hoạt động của các ngân hàng.
Sau sự kiện khai trương liên tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch vừa qua, trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, Giám đốc Khối Quản lý chiến lược khẳng định: “Tốc độ mở rộng mạng lưới của Maritime Bank luôn tỷ lệ thuận với vốn điều lệ, tốc độ tăng trưởng, khả năng đáp ứng các quy định từ NHNN. Hiện nay, vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ, tổng tài sản hơn 110.000 tỷ đồng và mạng lưới giao dịch trên toàn quốc gần 230 điểm. Xét về năng lực cũng như kế hoạch, Maritime Bank đủ điều kiện và sẽ còn tiếp tục mở rộng mạng lưới hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bao gồm cả việc vươn ra thị trường khu vực”. Phía Maritime Bank cũng cho biết thêm, việc chú trọng phát triển mạng lưới nằm trong chiến lược phát triển thành ngân hàng bán lẻ theo mô hình các ngân hàng bán lẻ hiện đại trên thế giới, đồng thời là bước đi quan trọng trong việc đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với người tiêu dùng tại các vùng xa đô thị, xa trung tâm phù hợp định hướng của Chính phủ và NHNN nhằm khắc phục việc mất cân đối về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Hiện nay, không chỉ Maritime Bank, rất nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tiếp tục coi phát triển mạng lưới là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao vị thế cũng như sức cạnh tranh. Cùng với những quy định của NHNN, mong rằng đây sẽ là một thước đo tương đối cho thực lực của ngân hàng đồng thời mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho khách hàng.
T.S
Hiện Maritime Bank có 1 chi nhánh và 2 phòng giao dịch tại Bình Dương. Maritime Bank đánh giá rất cao tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là một số dự án như Thành phố mới, Becamex City Center... đang thu hút một lượng dân cư rất lớn. Bên cạnh đó, việc thu hút nhanh số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh đã đòi hỏi sự phát triển kịp thời của ngành ngân hàng. Vì vậy trong năm 2012, Maritime Bank sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tại Bình Dương. Maritime Bank cũng là đơn vị đã 3 năm liên tiếp là đơn vị tài trợ độc quyền cho đội bóng Becamex Bình Dương.