Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tỉnh Bình Dương: Đoàn kết nhân dân, hòa mình cùng dòng chảy của cách mạng - Bài 3

Cập nhật: 16-11-2015 | 07:54:09

Bài 3: Cùng tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa

 Khắc phục những khó khăn, thử thách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, khắc phục những hậu quả của chiến tranh, từ đó tạo ra những tiền đề cho việc cùng chung sức đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” là cuộc vận động lớn do MTTQVN phát động được người dân hưởng ứng tích cực. Trong ảnh: Chương trình hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương và các địa phương trong tỉnh phối hợp tổ chức. Ảnh: H.C

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Tại tỉnh Thủ Dầu Một, những năm đầu sau giải phóng, bên cạnh những mặt thuận lợi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng đứng trước những khó khăn, thử thách do hậu quả chiến tranh. Kinh tế đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, hệ thống chính quyền còn yếu và thiếu, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá… Để khắc phục những khó khăn này, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh đã cùng các đoàn thể cử cán bộ xuống phối hợp với các huyện, thị thành lập từng đoàn công tác xuống tận các ấp tuyên truyền phát động, giáo dục trong quần chúng nhân dân về ý nghĩa vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; về những chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; về hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù; kêu gọi sĩ quan, binh lính, công chức chế độ cũ ra trình diện và tham gia học tập cải tạo.

Mặt trận Dân tộc giải phóng các huyện, thị đẩy mạnh phát động phong trào quần chúng làm công tác trật tự an ninh, thu gom các loại vũ khí đạn dược, phương tiện, tài liệu của địch để lại; đồng thời phát động quần chúng bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động, xây dựng đời sống văn hóa mới trong các cơ quan, trường học. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau chung sức xây dựng chính quyền, Mặt trận cùng Ủy ban Quân quản Thủ Dầu Một đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chủ cơ sở sơn mài, sành sứ, mộc và chức sắc tôn giáo nhằm phổ biến, giải thích chính sách của chính quyền cách mạng, động viên các giới phát huy tinh thần yêu nước, tích cực hợp tác cùng chính quyền xây dựng chế độ mới.

Thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển sản xuất sau chiến tranh, Mặt trận và các đoàn thể của tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành bố trí lại lực lượng lao động, giải quyết nạn thất nghiệp. Mặt trận đã phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giãn dân, vận động nhân dân khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh trồng lúa, cây lương thực, rau màu ngắn ngày, khôi phục diện tích vườn cây ăn trái; củng cố những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh của địa phương; nâng cấp, sửa chữa đường… Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp với chính quyền các cấp vùng căn cứ cũ, vùng nông thôn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thực hiện các chương trình về y tế, giáo dục như xây dựng trường lớp, đóng bàn ghế cho con em học tập…

Tháng 3-1977, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sông Bé được đổi tên thành MTTQ Việt Nam tỉnh Sông Bé. Trước yêu cầu mới, MTTQ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng. Mặt trận và các đoàn thể phối hợp cùng chính quyền các cấp ra sức phát động nhân dân sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào khai hoang, làm thủy lợi, làm phân bón, dùng giống mới, thực hiện thâm canh tăng vụ; vận động quần chúng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng; vận động quần chúng xóa bỏ tàn tích văn hóa thực dân, xây dựng cuộc sống mới; con người mới; huy động sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.

Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế là kiên quyết điều chỉnh, bố trí cơ cấu kinh tế, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, tăng nguồn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất và đời sống văn hóa của nhân dân; vận động nhân dân hăng hái xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, chuẩn bị cả về thế và lực để vững bước trên con đường đổi mới, bước đầu mở cửa và hội nhập của đất nước.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Khi tỉnh Bình Dương được tái lập, quá trình tìm tòi và mở đường vào công nghiệp hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong điều kiện đó, quán triệt sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương, Mặt trận đã nỗ lực ổn định tổ chức, đồng thời tích cực động viên các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm cụ thể góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. MTTQ đã kiến nghị và phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi hoặc có sáng kiến mới về chính sách, cơ chế nhằm khơi dậy nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội và điều kiện để mọi người được yên tâm tự do làm ăn trong khuôn khổ pháp luật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và làm giàu chính đáng. Song song với công tác xây dựng chính quyền, MTTQ tỉnh đã triển khai các hoạt động nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ tỉnh vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của địa phương như phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, phát động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia các hoạt động xã hội, công tác hậu phương quân đội...

 Ông Võ Ký, nguyên Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé cho biết: Tỉnh Bình Dương kể từ khi tái lập có bước phát triển nhanh về nhiều mặt. Song song với công tác lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì MTTQ đóng vai trò rất quan trọng. Tôi thấy MTTQ tỉnh Bình Dương đã vận động tốt quần chúng nhân dân bám sát theo các chương trình hành động, các cuộc vận động, các phong trào như xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, hoạt động của MTTQ tỉnh luôn có sự đổi mới, sáng tạo, đi đầu để đạt được kết quả cao nhất”.

ĐÀ BÌNH (ghi)

Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong giai đoạn này được xác định là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân và vai trò làm chủ của nhân dân để đưa hoạt động của Mặt trận hướng về cơ sở; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu chính đáng, đa dạng của nhân dân; không ngừng mở rộng các hình thức tập hợp quần chúng, xây dựng liên minh công - nông - trí vững mạnh, đẩy mạnh thực hiện các phong trào và chương trình công tác do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Trong giai đoạn 2010-2015, phát huy những kết quả đã đạt được trong những giai đoạn trước, MTTQ tỉnh và các đoàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực; cùng chính quyền chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Với phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đa dạng các hình thức tập hợp, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức trách nhiệm công dân và đạo đức xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương, đoàn thể phát động. MTTQ tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo hoạt động giám sát nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với tổ chức thành viên triển khai sâu rộng trong nhân dân 3 cuộc vận động lớn do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các cuộc vận động lớn đã góp phần làm sôi động hơn phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp dân cư, vận động, đoàn kết nhân dân nỗ lực phát triển vền vững kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

CAO SƠN (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1075
Quay lên trên