Ngày 16-7, các quan chức quốc phòng Philippines tuyên bố nước này sẽ triển khai tàu chiến và máy bay tới căn cứ hải quân ở vịnh Subic, đối diện Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ cập cảng ở vịnh Subic hồi tháng 10-2014 - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên sau 23 năm cơ sở từng được Mỹ sử dụng sẽ vận hành đúng với chức năng của một căn cứ quân sự.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết quân đội sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu FA-50 do Hàn Quốc sản xuất tới căn cứ ở vịnh Subic vào đầu năm 2016.
Sau đó, một đội máy bay FA-50 sẽ được đưa đến đây cùng máy bay Fighter Wing từ một căn cứ ở Luzon. Hai tàu hộ vệ cũng sẽ được đưa đến cảng Alava ở vịnh Subic. Vịnh Subic đối diện Biển Đông và chỉ cách bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 270km.
“Chúng tôi có nhiều cơ sở quân sự ở vịnh Subic và chỉ cần nâng cấp chúng” - một quan chức quốc phòng Philippines nhấn mạnh. Chuyên gia quân sự Rommel Banlaoi khẳng định sử dụng vịnh Subic sẽ giúp lực lượng Philippines phản ứng kip thời trước mọi hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Máy bay chiến đấu FA-50 có thể tiếp cận bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút, và tàu tuần tra cùng máy bay không người lái của Philppines sẽ dễ dàng theo dõi mọi cử động của lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông”, chuyên gia Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.
“Giá trị của vịnh Subic đã được người Mỹ kiểm chứng. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Trung Quốc cũng biết rõ điều đó” - chuyên gia Banlaoi đánh giá. Căn cứ vịnh Subic từng là một trong những cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới cho đến năm 1992.
Từ năm 2000 đến nay, nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng tại vịnh Subic. Các quan chức quốc phòng Philippines cho biết sau khi căn cứ quân sự vịnh Subic được khôi phục, quân đội Mỹ sẽ dễ dàng luân chuyển lực lượng ở Philippines hơn.
Hiện quân đội Philippines đã lên kế hoạch chi 20 tỉ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa lực lượng nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông.
Theo TTO