Một đời hy sinh cho cách mạng. Khi tuổi già lại không có người thân bên cạnh... nhưng mẹ không cô đơn vì mẹ đang sống giữa nghĩa tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương. Mẹ Định say sưa kể lại thời tuổi trẻ sôi nổi tham gia đánh giặc
Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Định, sinh năm 1925 ở ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, phải đi làm thuê kiếm sống. Những năm tháng đánh Tây, đuổi Nhật, mẹ Định cũng hòa vào đoàn người đi giành lấy chính quyền. Mẹ tham gia Phụ nữ cứu quốc, ngày ngày tập bắn súng, đêm đêm đốt đuốc đi học bình dân học vụ. Nhưng tự do chưa được bao lâu thì Pháp chiếm lại Bến Cát, mẹ phải tản cư sang Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) và tham gia du kích Phú Hòa Đông. Trong một lần đơn vị của mẹ sang Thanh Tuyền đánh địch, chẳng may lọt vào ổ phục kích của địch, mẹ bị bọn Pháp bắt giam ở Khám đường Bình Dương. Gần 2 năm không khai thác được gì chúng đành thả mẹ ra.
Chồng mất sớm, người em trai đi tập kết ra Bắc nên khi trở về Thanh Tuyền mẹ vừa đi làm mướn nuôi mẹ già, con dại, vừa góp gạo tiền cho bộ đội, du kích cho đến ngày đình chiến 7-1954. Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, bắt bớ những người kháng chiến. Gia đình có người đi tập kết nên mẹ bị địch bắt, hăm dọa nhưng mẹ một mực không ly khai. Cuối cùng, chúng phải thả mẹ ra. Mẹ lại trở về làm thuê làm mướn nuôi mẹ già con dại và tìm cách tiếp tế cho cán bộ, du kích. Năm 1962, người em trai của mẹ đi tập kết trở về, giao cho mẹ làm công việc giao liên. Từ đó, mẹ đi khắp nơi theo yêu cầu của người em trai, tìm cách liên lạc đưa thanh niên là con em những người tập kết vô rừng làm cách mạng. Trong những năm tháng làm công tác giao liên, mẹ đã thể hiện bản lĩnh của một người phụ nữ gan dạ, mưu trí vượt qua được tai mắt của giặc để làm tròn nhiệm vụ. Cũng trong thời gian này, người con duy nhất của mẹ là Nguyễn Văn Nhặt cũng theo cậu đi đánh giặc khi mới 14 tuổi.
Mẹ say sưa kể về những năm tháng tuổi trẻ tham gia làm cách mạng, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về con trai của mẹ thì nước mắt mẹ như chực trào ra: “Năm 1966, anh Nhặt hy sinh trong một trận chống càn. Khi hay tin, mẹ chết lặng. Đó là cảm giác mất đi một phần thân thể, mẹ biết rằng không bao giờ còn gặp lại được con mình”. Năm 1966, mẹ bị địch bắt dồn vào ấp chiến lược ở Bình Hòa, Lái Thiêu. Mẹ đi làm thuê, ở mướn nuôi mẹ già nhưng hễ có dịp là mẹ lại mua gạo, thuốc men tiếp tế cho bộ đội.
Cuộc đời mẹ đã làm tròn bổn phận một người con hiếu thảo, nuôi mẹ già thay cho em trai đi cứu nước, bản thân mẹ cũng tham gia du kích, làm giao liên, tiếp tế cho cách mạng cho đến ngày đất nước hòa bình. Giờ đây, đã 87 tuổi nhưng mẹ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Hàng ngày, mẹ dậy sớm tập thể dục và lúc nào cũng lụi cụi làm các công việc lặt vặt trong nhà. Đôi ba ngày các bạn đoàn viên ở phường lại xuống, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Trò chuyện với mẹ, mẹ nói ban ngành đoàn thể, bà con lối xóm cũng thường xuyên tới lui thăm hỏi đã xóa đi nỗi buồn trong tuổi già hiu quạnh của mẹ. Ở cái tuổi xế chiều này, mặc dù không có người thân bên cạnh... nhưng mẹ không cô đơn, vì mẹ đang sống giữa nghĩa tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương.
ĐỨC LÊ