Mối nguy USD tăng giá

Cập nhật: 17-08-2011 | 00:00:00

Có thể quá sớm để nói rằng Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc quản lý ngoại hối về dài hạn, nhưng mục tiêu ngắn hạn như giảm sốt ngoại tệ, kéo gần giá USD ngân hàng và tự do, giảm găm giữ... đã phần nào đạt được. Tuy nhiên, nếu không kiên trì với những biện pháp đặt ra thì áp lực sẽ đè lên tỷ giá một lần nữa trong năm nay.

 

Áp lực tăng giá ngoại tệ dần hiện hữu

Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Trung ương, huy động vốn bằng VND chỉ tăng 1,15% trong khi vốn ngoại tệ tăng 8,89%. Riêng về tín dụng, cho vay bằng đồng Việt Nam chỉ tăng 2,72% trong khi cho vay bằng ngoại tệ có mức tăng áp đảo, lên tới 22,21%.

Các doanh nghiệp đang có sự lựa chọn được xem là hiệu quả trong thời điểm hiện nay là vay ngoại tệ với lãi suất thấp trong khoảng từ 6,5-7,5%/năm, thay vì vay VND với lãi suất lên đến 20-25%/năm. Nếu trượt giá ngoại tệ chỉ ở mức 1-2% thì doanh nghiệp đã giảm đi được rất nhiều về chi phí vốn cho quyết định vay ngoại tệ của mình thay vì VND.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện tại tăng lên nhanh chóng thì nhu cầu ngoại tệ để trả nợ trong tương lai sẽ cũng tăng lên, tạo ra nhu cầu lớn trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Khi nhu cầu ngoại tệ USD tăng cao sẽ tạo áp lực đẩy tỷ giá tăng lên.

Theo Thông tư số 14/2011/TT-NHNN ngày 1-6-2011, lãi suất vốn huy động tối đa bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng là 2%/năm. Tuy nhiên, khi nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian gần đây, các ngân hàng cạnh tranh nhau trong huy động ngoại tệ USD để đáp ứng nhu cầu cho vay đã thực hiện các biện pháp để nâng lãi suất huy động vượt trần cho phép. Thậm chí, một số ngân hàng đã huy động ngoại tệ USD với lãi suất lên đến 4%/năm.

Cuộc đua cạnh tranh lãi suất huy động ngoại tệ USD vượt trần cho phép có thể đã được nhen nhóm và bùng lên trong thời gian tới như cuộc đua lãi suất huy động VND đã xảy ra giữa các ngân hàng thương mại trong giai đoạn hiện nay.

Khi lãi suất huy động tăng lên, người dân và cả doanh nghiệp sẽ thấy rằng, việc găm giữ ngoại tệ đưa lại lợi nhuận tương đối, an toàn hơn, có khả năng sinh lời cao nếu xảy ra khan hiếm và trượt giá của đồng nội tệ. Nếu điều này xảy ra, cung ngoại tệ từ nguồn kiều hối đang tăng mạnh trong giai đoạn hiện nay khi các cá nhân lựa chọn bán ngoại tệ USD cho ngân hàng chuyển sang gửi VND lãi suất cao sẽ giảm đi. Lượng tiền kiều hối vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng lên rất nhanh và năm 2010 đạt trên 8 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2011, riêng TP.HCM, lượng tiền kiều hối chi trả tăng 27% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 2,47 tỷ USD.

Nếu khách hàng vẫn lựa chọn việc bán ngoại tệ cho ngân hàng như hiện nay cho đến cuối năm thì sẽ tăng đáng kể lượng cung ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu và giảm áp lực tăng tỷ giá ngoại tệ.

Tác động từ các yếu tố khác

Về vốn FDI: Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn quốc 6 tháng qua đạt gần 4,69 tỷ USD, bằng gần 52% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số vốn thực hiện đạt 5,3 tỷ USD, cao hơn vốn đăng ký và bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy có sự tăng trưởng nhưng nguồn FDI trong những năm gần đây đã có sự suy giảm rõ rệt và giải ngân là không như đăng ký và thường được thực hiện bằng cách nhập khẩu trang thiết bị từ nước ngoài vào nên cũng không tạo ra cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.

Về xuất nhập khẩu: Bộ Công Thương cho hay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2011 vẫn khá tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 7,8 tỷ USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo trong các tháng tới, kim ngạch xuất khẩu có thể vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm, chủ yếu do ảnh hưởng tính mùa vụ của hàng nông sản nước ta và sự hạ nhiệt của giá cả trên thị trường thế giới.

Đối với nhập khẩu, kim ngạch tháng 6 ước đạt 8,2 tỷ USD, góp phần đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm 2011 đạt gần 49 tỷ USD, tăng 25,8% so cùng kỳ năm 2010.

Dự báo trong các tháng tới, kim ngạch nhập khẩu vẫn tiếp tục ở mức tương đối cao. Rủi ro tỷ giá cuối năm lớn đến mức nào là một câu hỏi khó trả lời chính xác, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác.

Có ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thực tế 6 tháng qua không đến 23%, mà chỉ vào khoảng 17%, vì phải trừ đi phần tăng tỷ giá (phương pháp tính tăng trưởng tín dụng đều quy ra VND).

Dù gì đi nữa, sức ép tỷ giá vào cuối năm vẫn còn đó, và cộng với những rủi ro khác về tín dụng và chính sách tài khóa, có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn hơn.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng để quản lý những rủi ro này, cần phải bãi bỏ các quy định hành chính trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Liên quan đến vấn đề lãi suất USD, đã đến lúc phải giảm bớt chênh lệch giữa lãi suất VND và USD để giảm bớt tình trạng carry trade, cũng là giảm bớt những rủi ro tỷ giá trong những tháng tới.

Như vậy, nhập siêu trong các tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng lên khi nhu cầu nhập khẩu những tháng cuối năm tăng mạnh trong khi tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm đi. Tất cả các yếu tố như nhu cầu ngoại tệ USD cho trả nợ vay, nhập khẩu hàng hóa tăng trong thời gian tới trong khi cung ngoại tệ từ nguồn tiền kiều hối, FDI và xuất khẩu có thể giảm đi có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ USD vào cuối năm và tạo áp lực tăng tỷ giá ngoại tệ USD mạnh.

Chặn ngay việc chạy đua lãi suất huy động USD

Để tạo sự ổn định, Ngân hàng Nhà nước cần phải ngăn chặn ngay tình trạng chạy đua lãi suất huy động ngoại tệ USD, yêu cầu và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nghiêm túc Thông tư số 14. Nếu giữ được lãi suất huy động ngoại tệ USD ở mức 2% và tiến tới nếu có thể giảm thêm thì nhu cầu tích trữ ngoại tệ USD sẽ giảm, tình trạng đô la hóa có thể dần được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải lập các đoàn kiểm tra các ngân hàng thương mại có dấu hiệu vi phạm đối tượng cho vay ngoại tệ theo Thông tư số 07/2011/TT-NHNN. Theo đó, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn sau đây:

1. Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác được cam kết bằng văn bản.

2. Cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu; trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này để sử dụng trong nước, thì khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).

3. Cho vay các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ khác ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng thương mại vi phạm cần phải bị xử phạt nghiêm để nâng cao hiệu quả điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo sự ổn định trong hoạt động ngoại hối, xóa bỏ tình trạng đô la hóa...

Có thể quá sớm để nói rằng Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc quản lý ngoại hối về dài hạn, nhưng mục tiêu ngắn hạn như giảm sốt ngoại tệ, thu hẹp chênh lệch giá giữa ngân hàng và thị trường tự do, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, đô la hóa... đã phần nào đạt được. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý không kiên trì với những biện pháp đặt ra thì có thể tỷ giá sẽ chịu áp lực một lần nữa trong năm nay.

(Theo VEF)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=339
Quay lên trên