Hôm rồi, ngồi dọn lại kho sách của ba, tôi mừng rỡ nhặt được một bức ảnh đen trắng rơi ra từ cuốn sách cũ. “Nội dung” bức ảnh là cậu bé - anh Hai tôi chập chững bước về trước, nơi có mẹ tôi đang giơ tay đón, còn sau lưng anh là một người phụ nữ lạ hoắc. Tôi mang ảnh khoe ba, hỏi thăm. Ba chần chừ như không muốn đáp: “Bà Bảy, vú nuôi nhà mình”. Hồi lâu, ba bất ngờ trầm giọng: “Cũng là người tình của mẹ bây”. Tôi giật mình, ngó lên thấy mắt ba rưng rưng: “Ba khổ tâm với bà này lắm”.
Gần 50 năm trước, bà Bảy từ Quảng Nam vào Phú Yên giúp việc cho một gia đình giàu có. Khi ấy, tuổi đời chớm đôi mươi, lại rất xinh đẹp nên bà Bảy được nhiều người theo đuổi. Bà không chịu ai. Năm bà 30 tuổi, gia đình người kia không còn giàu, bà trở nên thừa thãi. Vừa lúc có người đàn ông góa vợ hỏi cưới, bà liền gật đầu. Sau mười ngày sống chung, tự dưng một bữa, chồng bà Bảy bỏ đi trong đêm, biền biệt. Không ai biết lý do. Từ đó, bà Bảy cũng không thích sống trong nhà mình. Để ý, thấy trong làng nhà ai có con nít, bà đến xin ở một, hai năm làm vú nuôi, chăm sóc con cho họ. Khi đứa trẻ chập chững đi, bà lại tìm sang nhà khác, làng khác. Bà Bảy ở với gia đình tôi lâu nhất, vì ba anh em tôi đứa này vừa đi vững thì đứa kia chào đời. Gia đình tôi một phần rất cần sự giúp đỡ của bà, phần thương bà… khát con nên rất yêu quý, đối xử với bà như ruột thịt.
“Hồi đó làm gì có khái niệm đồng tính. Nhưng ba tin bà ấy và má bây thương nhau. Thứ tình cảm khiến ba khó hiểu, muốn ghen cũng chẳng được” - ba tôi trầm giọng. Không ghen, vì trong mắt ba, bà Bảy vẫn là một người đàn bà chân yếu tay mềm như bao phụ nữ khác. Thời gian đầu, ba cũng không để ý đến ánh mắt khác lạ mà bà Bảy với má trao cho nhau, cả những ân cần, chăm sóc rất đặc biệt của bà Bảy như tự đi tìm lá thuốc về xông cho má khỏe; có thứ gì ngon bà liền mua cho má hay thậm chí, số tiền ít ỏi ba trả công, bà cũng dành dụm đợi lúc đủ là ù chạy ra chợ mua cho má đôi dép, xấp vải may áo dài… Cho đến một hôm đi làm đồng về sớm, ba vào trong buồng thấy má tôi nằm gọn trong lòng bà Bảy, còn bà thì hết vuốt tóc đến hôn lên trán má. Lúc đó, ba mới… ngờ ngợ, rùng mình trước câu hỏi sao giữa hai người đàn bà lại có những cử chỉ lạ kỳ? Bắt gặp thêm lần nữa thì ba kêu bà Bảy nói chuyện, muốn bà sang nhà khác ở. Má tôi làm dữ: “Em còn cần Bảy giúp!”. Ba tôi quyết tâm cho bà Bảy ra khỏi nhà. Không ngờ, tối đó, chờ ba bồng anh Hai sang hàng xóm nghe đài, má tôi lén túm đồ đến chỗ hẹn, cùng bà Bảy bỏ vô Nha Trang. Cả hai xin giúp việc cho một cửa hàng gần ga xe lửa.
Ba tìm vào, hết lời năn nỉ, má mới chịu về, nhưng với điều kiện về cùng bà Bảy và từ nay không… ngủ chung với ba nữa. Yêu má, thương con, ba nén nỗi bẽ bàng gật đầu. Để rồi, đêm nào má cũng ôm gối xuống nhà sau ngủ cùng bà Bảy, bỏ mặc ba một mình trong muôn chiều cảm xúc: buồn, giận, khổ đau. Bề ngoài, ba má vẫn tròn vai đôi vợ chồng yêu thương nhau, cùng chăm dạy con cái. Còn bà Bảy siêng năng, làm mọi việc trong nhà, phụ ba ra đồng, chẻ củi; có ai thuê mướn gì, bà cũng nhận làm, cốt mang gạo hoặc tiền về đưa cho má tôi. Nhiều người thấy vậy khen ba tôi tốt số, một tay… hai vợ lại giỏi thu xếp giữa hai bà, cửa nhà mới yên ổn.
Ở với gia đình thêm vài năm, khi tôi lên năm thì bà Bảy đổ bệnh. Chứng lao phổi khiến bà không qua khỏi. Má tôi đau đớn, khóc vật vã trong ngày bà Bảy ra đi. Sau đó, sống bên cạnh chồng và các con nhưng má không còn vui như trước. Má hay ngồi một mình, ủ rũ, thẫn thờ. Sau lần thứ mười tự tay tổ chức đám giỗ cho bà Bảy thì má tôi cũng đi theo bà. Má không đau bệnh gì mà vẫn ra đi. Vì buồn mà đi…
Ba nhìn tấm ảnh, nói: “Cả đời sống với má bây, ba cố gắng hết sức để mang lại hạnh phúc, song tất cả những gì ba làm, với má bây không bằng một ngày sống bên cạnh bà ấy!”. Ba lại chảy nước mắt: “Đã tính sống để bụng, chết mang theo, nhưng biết tụi bây… đến giờ vẫn nghĩ ba hai lòng, khiến má bây ghen tuông, sống héo hon, đau khổ suốt mươi năm tròn, kể từ ngày bà Bảy bỏ đi cho đến lúc mất, nên…”.
Theo PNO