Ba bệnh nằm viện cả tuần nay, con vẫn không chịu vào thăm. Mẹ nài nỉ mãi, con vẫn khư khư: “Kệ lão!”…
Đã mấy chục năm nay, con chưa bao giờ dùng tiếng “ba” để gọi người đàn ông sinh ra mình. Con chỉ dùng chữ “lão” - cụt ngủn, khô khốc, ghẻ lạnh và đầy thù hận.
Mẹ hiểu, con có hàng trăm, hàng ngàn lý do để giải thích thái độ của mình. Con có thể ngồi hàng giờ để kể lể về một người cha vô trách nhiệm và tàn nhẫn, về một tuổi thơ đầy uất ức và tủi nhục… Mẹ hiểu, bởi lẽ mẹ cũng như con, cũng là nạn nhân của ba.
Từ ngày con chào đời, ba chỉ biết làm khổ mẹ con mình. Sẵn có của cải của ông bà nội để lại, ba không lo làm ăn, chỉ bù khú ăn chơi. Tiền của dần dần đội nón ra đi, nhưng ba chẳng hề tỉnh ngộ. Ba bỏ mặc con cái, bỏ mặc gánh nặng gia đình cho mẹ. Ba ngày càng vắng nhà nhiều hơn, nếu có về thì cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa say. Rồi những lần quát nạt vô cớ, những trận đòn roi chẳng rõ lý do… đã in dấu trong tâm hồn trẻ thơ hình ảnh của một người cha tệ bạc. Sau ngày sinh nhật thứ 10 của con chừng một tuần, ba vơ vét chút vàng còn sót lại của gia đình mà mẹ giấu tận dưới đáy khạp gạo, bỏ nhà đi biệt xứ, nghe đâu là đi theo một người nào đấy, trẻ, đẹp. Kể từ đó, hai mẹ con mình đùm bọc nhau sống, ngôi nhà vắng hẳn bóng đàn ông mấy chục năm.
Một ngày kia, khi con đã trưởng thành, khi mẹ đã lên chức bà nội, ba con lại trở về. Tàn tạ, xơ xác, không tài sản, không nhà cửa, không nơi nương tựa… Ba con về nhà để mong tìm một chốn nương thân lúc cuối đời. Mẹ nhìn ba, nhìn bộ dạng tàn tạ đó, đau lắm chứ, hận lắm chứ. Mẹ có quyền đuổi ba con ra khỏi nhà, nhưng mẹ không làm được, vì chút tình xưa nghĩa cũ. Thôi thì cũng đành, mẹ xuôi lòng cho ba con quay về.
Nhưng con kiên quyết không chịu. Mẹ nói mãi, con mới chấp nhận cho ba ở lại, nhưng vẫn thòng thêm một câu: “Mẹ muốn lão ở lại thì tùy mẹ, nhưng đừng hòng con công nhận lão là ba”. Thấm thoát cũng đã hai năm, ba con sống lầm lũi trong sự ghẻ lạnh của con. Con xếp cho ba một góc nhỏ xíu trên cái gác xép chật chội, nóng nực, lên xuống khó khăn. Tới bữa cơm, con hay đá thúng đụng nia, nên ba con biết ý, phải tự bới cơm lên gác ăn một mình, không dám ngồi chung với cả gia đình. Vui thì thôi, hễ buồn là con lại lôi chuyện cũ ra chì chiết ba. Cuối năm ngoái, nhà mình đi du lịch, con cũng không cho ba đi cùng. Để ba ở nhà, con khóa tất cả các cửa phòng rồi nói: “Không khóa, lạng quạng ổng hốt hết giống ngày xưa nữa!”.
Con ơi! Dù xấu xa, dù tệ bạc đến đâu, đó cũng là ba ruột của con. Ngày xưa, ba có lỗi với mẹ con mình thật. Nhưng giờ con nhìn đi, người đàn ông hào hoa, ăn chơi bạt mạng ngày xưa giờ chỉ còn thân tàn ma dại. Tuổi già, sức yếu, mang tiếng là sống chung với gia đình nhưng ăn cơm cũng phải ngó trước ngó sau, muốn tắm táp, muốn coi ti vi cũng phải đợi con ra khỏi nhà. Rồi giờ thêm bệnh, thêm tật, liệu ba con còn sống được bao lâu nữa? Con còn cố hành hạ chi một con người đã gần đất xa trời, mà người đó lại là ba ruột của mình.
Con biết không, nếu con cứ đối xử với ba như vậy, người khổ tâm nhất chính là mẹ đây. Thấy con cứ ngày ngày nặng nhẹ với cha, có người mẹ nào vui được. Chắc con không biết, cái ngày mà cả nhà mình đi du lịch, bỏ ba ở nhà một mình, con buông lời nặng nhẹ, mẹ thấy ba lén quay đi gạt nước mắt. Lúc đó, lòng mẹ như muối xát…
Mẹ nghĩ, đối xử với ba như vậy, chắc con cũng chẳng vui gì. Chẳng qua là mối hận trong lòng con quá lớn, khó mà tiêu tan được. Nhưng con ơi! Hơn thua làm gì với ba nữa, khi quãng thời gian ba sống trên đời chỉ còn vài năm ngắn ngủi. Buông bỏ đi, vị tha hơn, con cũng sẽ tìm được sự thanh thản cho chính mình.
Theo PNO