“Mong Việt Nam sẽ có thương hiệu như Samsung”

Cập nhật: 18-04-2016 | 16:54:37

Làm thế nào để nâng cao được tâm và thế của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu? Đây dường như vẫn là câu hỏi làm đau đầu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lẫn bộ máy quản lý các bộ ngành, Chính phủ.

Diễn đàn được tổ chức nhân Chương trình Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh 2015 và kỷ niệm 25 năm thành lập Thời báo Kinh tế Việt Nam 

Đó cũng là chủ đề của một diễn đàn được tổ chức nhân Chương trình Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh 2015 và kỷ niệm 25 năm thành lập Thời báo Kinh tế Việt Nam, hôm 1-4 vừa qua. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và FDI tại diễn đàn nói trên.

Thoát khỏi tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Hiện nay, chúng ta đã đàm phán xong 5 hiệp định, khẳng định vị thế của chúng ta ở một tầm mới, với vô số các cơ hội mở ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức rất lớn, đặc biệt là khi hàng rào thuế quan đang giảm nhanh chóng, thì chắc chắn các nước sẽ nâng mức độ và tiêu chuẩn của các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.

Có ý kiến nói rằng, với một số mặt hàng xuất khẩu thì điều kiện về chất lượng, tiêu chuẩn công nghệ, xã hội… sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.

Trong bối cảnh đó, chính sách vĩ mô của chúng ta phải làm sao để doanh nghiệp có thể vươn ra biển lớn. Bởi ai cũng biết, thể chế nào thì doanh nghiệp đó.

Nhưng cùng với đó là doanh nghiệp phải tự “lột xác”, thoát khỏi tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, ăn xổi, xin cho…

Với Chính phủ và các bộ ngành, tôi mong muốn rằng, hiện chúng ta đang có khá nhiều cơ hội nhưng chúng ta phải biến những cơ hội, thách thức thành những chính sách để doanh nghiệp có thể tận dụng được, thành áp lực, trách nhiệm của bộ máy Nhà nước.

Chúng ta đang có một bước tiến khá dài về nhận thức khi xác định doanh nghiệp là động lực phát triển quan trọng. Làm sao để chuyển điều này thành những hành động thực tiễn? Phải có được một chính phủ vì doanh nghiệp, hành động vì doanh nghiệp, và là chuyện hàng ngày, hàng năm, chứ không phải là hô hào mang tính phong trào, hình thức.

Nâng tầm doanh nghiệp tức là nâng năng lực cạnh tranh

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM

Làm sao để chúng ta có một môi trường đầu tư kinh doanh nuôi dưỡng các doanh nghiệp có thể lớn mạnh được. Môi trường kinh doanh mà ở đó doanh nghiệp làm ăn ngay ngắn, có khát vọng, thì được đối xử khác với những doanh nghiệp làm ăn gian dối, chụp giật.

Trước đây, khi chúng ta bắt đầu gia nhập WTO thì nhìn chung doanh nghiệp đã có sự hồ hởi nhất định, nhưng giờ đây lại bắt đầu lo lắng khi hiệp định TPP đang bắt đầu khởi động.

Do đó, Chính phủ phải làm thế nào để nâng được tầm của doanh nghiệp, tức là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này lại được quyết định bởi năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tôi cho rằng, vấn đề không phải doanh nghiệp không biết cạnh tranh với ai, như thế nào, mà là làm sao có cơ chế để doanh nghiệp có thể cạnh tranh.

Còn với doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại với nhau, làm sao cạnh tranh để cùng phát triển chứ không phải tiêu diệt nhau.

Năm nay nhiều khả năng vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, tình hình sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước.

Mong Việt Nam sẽ có thương hiệu như Samsung

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Hội nhập là một quyết định có tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn táo bạo. Mặc dù đi sau và vẫn còn ở trình độ phát triển thấp hơn các nước khác nhưng chúng ta đã mở cửa rất rộng.

Điểm được nhất của hội nhập là tạo ra áp lực cải cách với Chính phủ và cả cộng đồng doanh nghiệp. Phải có thách thức mới tạo ra thay đổi và phát triển được.

Doanh nghiệp Việt Nam đã là người chơi tại bàn, do đó, không có cách nào khác là phải hóa giải được tác động tiêu cực và tận dụng được tác động tích cực.

Tôi tin là nhiều doanh nhân Việt Nam có thể làm được điều đó. Nhờ đó, tôi càng có niềm tin là đất nước chúng ta sẽ phát triển tốt hơn, GDP tăng trưởng cao hơn, rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực và thế thời.

Một điểm yếu chung của cả doanh nghiệp Việt Nam và bộ máy hành chính của Nhà nước hiện nay là quản trị nội bộ. Nhiều doanh nghiệp không lớn mạnh được là do ở vấn đề quản trị nội bộ. Bộ máy hành chính làm việc thiếu hiệu quả cũng là do không giải quyết được vấn đề này.

Do đó, cần đề cao hiệu quả của quản trị nội bộ, càng minh bạch, càng có trách nhiệm mới tạo ra môi trường kinh doanh tốt. Chúng ta không còn thời gian nữa, đã hội nhập sâu rộng thì không còn cách nào khác là phải nỗ lực nhận thức và hành động thì hội nhập mới thành công được.

Có một điểm tích cực là nhận thức của Đảng, Chính phủ, cả giới chuyên gia đều không còn phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân mà chỉ còn là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã xác lập niềm tin cho chúng tôi, qua đó tôi tin là sẽ có chính sách phù hợp để tạo động lực phát triển.

Trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tôi chưa nhìn thấy có thương hiệu toàn cầu. Nói đến Việt Nam, trước đây người ta nói đến chiến tranh, còn bây giờ người ta nhắc tới... phở. Đây là nỗi trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mấy lần khi tham dự hội nghị quốc tế, tôi thấy mình nhỏ bé và chưa có gì cả.

Tôi mong sao 10 - 20 - 30 năm nữa, Việt Nam sẽ có thương hiệu như Samsung của Hàn Quốc. Trọng trách đó nằm trên vai của những doanh nhân Việt Nam. Làm được điều đó cần niềm đam mê, sự khát khao, lòng tự trọng.

Doanh nghiệp cần cơ chế mới, động lực mới

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan)

Chúng ta đã chứng kiến công cuộc đổi mới của đất nước với những thành tựu đáng trân trọng. Những năm gần đây, nền kinh tế đã có một số khó khăn nhất định, mặc dù năm 2015 kinh tế đất nước có những bước hồi phục và tạo ra nhiều thay đổi.

Có thể nói, nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn mới nên những những đổi thay từ môi trường kinh doanh là chưa đủ với cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ, cải cách hành chính để thúc đẩy nền tảng kinh tế thay đổi là cần thiết song cải cách hành chính cũng có nghĩa là thay đổi cả cung cách phục vụ chứ không hẳn chỉ là giảm số giờ trên giấy tờ.

Nói cách khác, cần thay đổi về chất, thức là chuyển từ hành chính quản trị sang hành chính phục vụ. Các doanh nghiệp sẵn lòng đáp ứng những quy định của các luật có liên quan nhưng cũng cần nhận được sự phục vụ đúng nghĩa của bộ máy hành chính.

Ở khía cạnh đầu tư, cần những công cụ điều tiết chính sách theo hướng quan tâm hơn đến doanh nghiệp trong nước, hiện nay những điều này vẫn còn rất hạn chế.

Doanh nghiệp cần cơ chế mới, động lực mới để có thể hình thành những doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng đoàn kết vì sự phát triển của nền kinh tế.

Lý do Samsung chọn Việt Nam

Ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Năm 1995, Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, chúng tôi đã có mặt ở đất nước các bạn được 21 năm.

Ở giai đoạn đầu, chúng tôi có sản phẩm chính là ti vi. Từ năm 2008, chúng tôi bắt đầu đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động. Hiện tại, Samsung có khoảng 120.000 lao động, tính cả lực lượng lao động của các nhà cung cấp thì có thêm khoảng 100.000 lao động nữa. Năm ngoái chúng tôi xuất khẩu được 32,7 tỷ USD.

Diễn biến đầu năm đến nay cho thấy, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái. Về tổng thể, Việt Nam là quốc gia có ưu thế cạnh tranh hơn các nước trong khu vực.

Khi quyết định đầu tư ở một nước nào, chúng tôi thường xem xét nhiều yếu tố như mức độ phát triển kinh tế, chính sách thuế, tình trạng chính trị, nguồn lao động, trình độ lao động, khả năng nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhiều người đặt câu hỏi: “Có phải Samsung đầu tư ở Việt Nam vì lao động Việt Nam giá rẻ hơn các nước khác?”.

Câu trả lời của tôi là, lao động rẻ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Về nguồn lao động, Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào lao động nhất trong so sánh với Ấn Độ. Về chi phí lao động, các nước khác có nhân công rẻ hơn Việt Nam nhiều.
Chất lượng lao động của Việt Nam cũng không phải là tốt nhất trong so sánh với các nước xung quanh.

Vì vậy, lý do Samsung chọn Việt Nam là tổng hợp nhiều yếu tố mà Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn.

Chính phủ Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động bằng định hướng phát triển giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng điều kiện hội nhập hiện nay.

Không nhất quán, đồng lòng, không thể tiến xa

Ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc Park City Hà Nội

Hội nhập kinh tế đã và đang diễn ra, và là điều không thể thay đổi được, dù muốn hay không. Hội nhập tương tự như một phần tất yếu trong cuộc sống.

Là doanh nhân hay là công chức Chính phủ, đều cần phải nhìn thẳng vào bối cảnh hội nhập hiện nay, để tận dụng cơ hội và giải quyết những thách thức.

Người dân Việt Nam rất thích bóng đá và chúng ta đều hiểu là, một đội bóng nhiều ngôi sao mà không có sự nhất quán, đồng lòng thì không thể tiến xa được.

Điều tôi muốn liên hệ trong ví dụ này chính là sự đoàn kết, cá nhân phải có tầm nhìn của riêng mình, từng nhóm phải có tầm nhìn của tập thể lớn hơn. Điều này đúng ở phạm vi đội, nhóm, doanh nghiệp và cả đất nước. 

Theo Vneconomy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1867
Quay lên trên