Moskva mùa đông năm 1941

Cập nhật: 17-12-2016 | 15:30:04

Cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moskva là trận chiến then chốt mở đầu cho giai đoạn phản công đẩy lùi bước tiến của những tập đoàn quân phát xít Đức đang thống lĩnh gần hết châu Âu trong khi trùm phát xít Hitler đoan chắc sẽ chiếm được thủ phủ của nước Nga Xôviết trước mùa đông 1941.

Trong trù tính của Hitler và Bộ tư lệnh tối cao quốc xã, một khi Moskva thất thủ thì chuyện tồn tại của "đế chế đỏ" chỉ còn có thể tính từng ngày. Thế nhưng đạo quân hung hãn đó đã bị đánh chặn ngay tại cửa ngõ thủ đô Mosva. Barbarossa (bão táp Xôviết), kế hoạch quân sự - chính trị chứa đựng những tham vọng lớn nhất của Hitler và đệ tam đế chế bị phá sản hoàn toàn bắt đầu vào mùa đông năm 1941…

Đúng là một cơn bão táp tràn lên lãnh thổ Liên bang Xôviết khi Đức tung ra một lực lượng khổng lồ tấn công ồ ạt vào thủ đô Moskva: 1.800.000 binh lính, 1.700 xe tăng, 14.000 pháo và súng cối, cùng với 1.390 máy bay tấn công trong kế hoạch bao vây đánh chiếm Moskva mang tên "Bão biển" (Typhoon) từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-1941 và dự định chiếm thủ đô nước Nga trước ngày 7-11, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

Được chỉ huy bởi tướng Heinz Guderain, "Bão biển" ngay trong tuần đầu tiên nhanh chóng chiếm ưu thế và dễ dàng chiếm giữ được một vài thị trấn gần Moskva. Ngày 15-10 quân Đức phá vỡ tuyến phòng thủ của Hồng quân Liên Xô, chiếm giữ các thị trấn trọng yếu của các thành phố Kaluga và Mozhaisk phía tây nam Moskva, ở một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30km. Vào những ngày bầu trời hửng nắng, nhiều lính Đức đã có thể nhìn thấy đỉnh chóp dát vàng của tháp chuông hàng trăm năm tuổi "Ivan vĩ đại" trong khuôn viên điện Kremli.

Trước hung tin liên tục bị vỡ tuyến phòng thủ, người dân thủ đô hết sức hoang mang, tình hình trị an Moskva trở nên hỗn loạn và căng thẳng như đứng bên bờ vực thẳm, một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Moskva đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10. Tuy nhiên, có một vài yếu tố đã tác động làm chậm bước tiến của quân Đức.

Trước hết, quân đội Đức đã tiến nhanh hơn các binh đoàn tiếp tế. Thứ hai, đại Nguyên soái Josef V. Stalin và bộ chỉ huy tối cao Xôviết quyết định bổ nhiệm tướng Georgy Zhukov làm tổng chỉ huy mặt trận phía tây, ông đã kịp thời ổn định và củng cố vành đai phòng thủ quanh thành phố Leningrad và bắt đầu xúc tiến tạo dựng một vành đai tương tự để bảo vệ thủ đô. Thứ ba, tuyến tiếp viện của Đức bị Hồng quân Liên Xô cản phá dữ dội trên đường vận chuyển quân lương từ Viễn Đông đến Moskva.

Ban chỉ huy phòng vệ Moskva đã yêu cầu người dân tổ chức thành những đội du kích hoặc vệ quốc quân để sẵn sàng chiến đấu. Những đội quân này được nhanh chóng đào tạo cơ bản để đến ngày 20-10, thủ đô Liên Xô đã sẵn sàng tư thế cho các trận đánh ngay trên đường phố, với lực lượng phòng thủ gồm quân đội và khoảng 450.000 người dân.

Người dân Moskva đang nghe đài phát thanh của chính quyền thông báo về cuộc tấn công của Đức quốc xã. Nguồn: Sputniknews.

Theo lời kể của Thượng tướng không quân Nikolai Sbytov khi đó là Tư lệnh Phòng không Moskva, Xôviết tối cao Liên Xô nhất trí rằng, tổ chức duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vào ngày 7-11 tại Quảng trường Đỏ như truyền thống bao năm qua của Liên Xô sẽ là một sự kiện có tác dụng cực kỳ lớn lao khích lệ tinh thần nhân dân và quân đội Liên Xô.

Nguyên soái Stalin đã quyết định việc này vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11 sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh và phân tích tình hình tiền phương cũng như hậu phương. Ngày 28-10, Stalin triệu tập tới điện Kremli tướng Artemiev - Tư lệnh Quân khu thủ đô, tướng Zhigarev - tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin - chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Moskva và tướng Sbytoc - Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Ông hỏi các vị tướng: "Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chứ?".

Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời ông ngay. Những ngày căng thẳng khẩn trương, máy bay quân phát xít liên tục oanh kích, chướng ngại vật đã dựng lên khắp đường phố thủ đô, những cây cầu bắc qua kênh đào Moskva - Volga và các nhà máy như "Tháng Mười Đỏ", TMZ… đã được đặt mìn.

Stalin phải nhắc lại câu hỏi đó tới lần thứ ba thì mọi người mới sực tỉnh và đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần binh sĩ và người dân hậu phương!". Tuy nhiên, buổi lễ có khả năng sẽ bị máy bay Đức oanh tạc, và hàng ngũ lãnh đạo Chính phủ Liên Xô đứng trên lễ đài rất có thể sẽ trở thành những tấm bia sống cho quân địch.

Theo lời kể của Đại tá Ivan Basik - lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự Nga, cuối tháng 10 năm đó, Stalin đã triệu hồi Nguyên soái Zhukov từ mặt trận về Moskva để hỏi xem tình hình mặt trận có cho phép tổ chức duyệt binh vào ngày 7-11 hay không. Nguyên soái Zhukov đã báo cáo rằng, trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần thủ đô và đang chờ bổ sung cũng như biên chế lại các cánh quân.

Mặt khác, cần tăng cường các lực lượng phòng không và bổ sung cho Moskva đội máy bay tiêm kích từ các mặt trận lân cận. Khi ấy, Hồng quân bắt được một sĩ quan Đức mặc hai lớp áo; lễ phục mặc bên ngoài quân phục. Hắn khai: Mục tiêu của kế hoạch "Bão biển" là phải giành thắng lợi chớp nhoáng nên quân Đức không mang theo áo ấm và đang khốn đốn vì giá rét.

Chúng phải điều gấp quân trang chống rét cho các sĩ quan bằng lễ phục đội hậu cần mang theo để chuẩn bị cho cuộc "duyệt binh thắng lợi chiếm Moskva" dự định diễn ra vào ngày 7-11 tại Quảng trường Đỏ của Liên Xô với kịch bản có các "tiết mục hấp dẫn" như dẫn giải các lãnh đạo Liên Xô bị bắt sống ra quảng trường và treo cổ họ, nổ mìn phá tường thành Điện Kremli, phá lăng Lênin, nổi lửa thiêu thi hài lãnh tụ Xôviết v.v…

Cuối tháng 11 đầu tháng 12-1941, thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Một lính Đức đã viết: "Một đợt giá lạnh tràn tới vào đầu tháng 11 năm ấy. Chúng tôi có thể tiếp tục di chuyển, nhưng lại chết cóng vì vẫn không có quần áo mùa đông để mặc".

Mùa đông năm 1941-1942 được cho là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử Nga. General Raus, người nổi danh trong giới quân sự Đức với tư cách là một trong những nhà chiến thuật lỗi lạc trong chiến tranh thiết giáp đã ghi lại nhiệt độ trung bình hàng ngày gần Moskva trong suốt những ngày đầu của tháng 12-1941 như sau: ngày 1-12: -7ºC, 2-12: -6ºC, 3-12: -9ºC, 5-12: -37ºC, 6-12: -37ºC… Những ngày sau đó trong tháng, nhiệt độ giảm đến mức -45oC. Sư đoàn Thiết giáp số 6 của tướng Raus báo cáo mỗi ngày có khoảng 800 ca chết cóng vì giá lạnh.

Các thiết bị khí tài của Đức bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20oC. Các loại vũ khí không thể khởi động được, đặc biệt là các vũ khí chống tăng, chất lỏng tạo độ giật lùi cho pháo đều đông cứng, dầu bôi trơn cho các vũ khí thông minh và súng máy cũng vậy. Quân Đức phải lui bước trước các đợt phản công dũng mãnh của bộ binh Nga, chỉ có lựu đạn ném tay là còn sử dụng được. Tháp pháo của xe tăng thì không thể xoay và xe tăng thì phải hoạt động liên tục để tránh bị đông cứng.

Ngược lại, xe tăng T-34 của Nga với số lượng rất lớn, lại có bộ khởi động khí nén, có thể hoạt động được kể cả trong thời tiết lạnh nhất. Thêm nữa, bánh xích của loại T-34 này rất rộng nên tản đều trọng lượng của cỗ xe giúp T-34 có thể lăn xích trên các mương rãnh cũng như các hố tuyết sâu 1,5m.


Hệ thống chiến lũy và vật cản chống tăng trên đường phố Moskva.

Bình luận về điều kiện sình lầy (mùa thu) và tuyết lạnh (mùa đông), Nguyên soái Zhukov nói ngắn gọn rằng, quân Đức đáng ra phải hiểu rõ về thời tiết. Trong trường hợp này, thời tiết đóng một vai trò quan trọng (nhưng không phải là hàng đầu) giải thích tại sao Hồng quân Liên Xô - với hơn 1 triệu binh sĩ hy sinh trong trong 2 tháng đầu bị quân phát xít tấn công không chỉ có thể giữ vững Moskva, mà còn tiến hành các đợt phản công mạnh mẽ.

Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu bài viết này không đề cập đến hoạt động sơ tán người dân và khẩn trương vận hành các cơ sở công nghiệp - mạch máu "nuôi sống" dân quân Liên Xô suốt những năm tháng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc với quy mô lớn chưa từng có. Hàng loạt nhà máy và xí nghiệp không chỉ dời tới địa điểm mới mà còn nhanh chóng triển khai sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Thật ra, khả năng sơ tán các nhà máy của Moskva và Leningrad đã được nghiên cứu từ trước tháng 6-1941 khá lâu, tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà lãnh đạo Xôviết tối cao không lập ra kịch bản cụ thể nào.

Đề cập đến khía cạnh này, Yuri Nikiforov, chuyên gia Hiệp hội Lịch sử quân sự Nga đưa ra nhận định: "Đúng là trước khi Đức bất ngờ tấn công Liên Xô, chúng ta đã không có kế hoạch sơ tán cụ thể, hoàn toàn không, mặc dù nói cho công bằng, thì một số công việc đã được xúc tiến trước khi chiến tranh nổ ra. Đầu năm 1941, ở Moskva đã thành lập một ủy ban do Chủ tịch Hội đồng thành phố là Pronin chỉ đạo, ủy ban đã kịp trình bày với Stalin kế hoạch sơ tán người dân thủ đô. Tuy nhiên, Stalin không chấp thuận kế hoạch và thậm chí còn ra lệnh giải thể ủy ban này. Khi chiến tranh ập tới, các cơ chế tổ chức hoạt động sơ tán ngay lập tức được tái lập để triển khai công việc."

Nhưng làm thế nào có thể gấp rút tập hợp hàng triệu người, buộc họ để lại hầu hết đồ đạc và rời khỏi nơi sinh sống? Nhiệm vụ tiếp theo là giúp họ vượt được chặng đường đi về phía đông đầy khó khăn. Tiến sĩ sử học Dmitry Belov cho biết: "Công tác sơ tán người dân cần đi cùng với việc tổ chức các trạm ăn uống, cung cấp bánh mỳ, triển khai điểm bổ sung thức ăn cho gia súc trên suốt chặng đường. Các trại hè, nhà trẻ mồ côi cũng thuộc diện sơ tán".

Vùng tiếp nhận người sơ tán cũng đối đầu với những vấn đề cấp bách và nan giải. Chính quyền những nơi này phải nhanh chóng bố trí chỗ ở ổn định cho người dân, đảm bảo lương thực thực phẩm, triển khai máy móc thiết bị và kịp thời bố trí chỗ làm cho người mới đến, vừa ổn định đời sống, vừa ổn định tinh thần cho họ rằng, nhà nước và chính quyền Xôviết vẫn vận hành không nghỉ. Nhà sử học quân sự Alexander Korshunov kể: "Chúng ta đã vấp phải không ít khó khăn trong tổ chức cơ chế vận tải đường sắt, sơ tán công nhân cùng các nhà máy… Có trường hợp thiết bị được đặt trên các bệ lót đặc biệt ngay giữa đồng, cấp tốc dẫn điện về từ các hệ thống cung cấp gần nhất và vận hành máy móc ngoài trời".

Trong thực tế, nhiệm vụ di chuyển các cơ sở sản xuất tới địa điểm mới và triển khai làm việc đã được hoàn thành chỉ trong vòng nửa năm. 75 năm đã đi qua, "thế hệ chúng ta không dễ hình dung ra một khối lượng công việc đồ sộ được hoàn thành xuất sắc bởi những con người hốc hác mệt mỏi, thiếu ăn thiếu ngủ" - nhà sử học Yuri Nikiforov nhận xét - "Cả một đất nước công nghiệp được lùi về phía đông hàng ngàn cây số. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 1,5 triệu lượt toa tàu đã được huy động. Nhờ hoạt động sơ tán, đến giữa năm 1942 có 1.200 doanh nghiệp lớn bắt đầu làm việc tại địa điểm mới ở Ural. 210 doanh nghiệp ở Tây Siberia. Kết quả là, sản lượng các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim loại của khu vực tăng gấp 7 lần, đến năm 1943 tăng 11 lần".

Vùng Ural và Tây Siberia, nơi Đức quốc xã không thể tiếp cận được, trở thành địa chỉ mới của các cơ sở công nghiệp khổng lồ. Tất cả chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ là bằng mọi giá chặn bước tiến và đánh tan quân xâm lược".

Cuộc chiến phòng thủ và bảo vệ Moskva mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thất bại đầu tiên của quân phát xít Đức từ khởi đầu năm 1939 trong Thế chiến thứ hai. Trong cuộc chiến này cũng đã sản sinh ra rất nhiều các nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng như Zhukov, Konstantin Rokossovsky, Ivan Boldin, Dmitry Lelyshenko… những người đã trở thành trụ cột chính của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến đầy máu lửa và vinh quang. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1440
Quay lên trên