Một lần đến Điện Biên - Bài 3

Cập nhật: 07-05-2019 | 06:03:38

Bài 3: “Ta lấy lại vàng ta...”

 65 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, diện mạo của Điện Biên - vùng chiến trường ác liệt năm xưa nay đã thay đổi toàn diện, như mùa hoa ban khoe sắc giữa trời xuân. Đó là bởi vì: Trong chiến tranh, “vàng ta đau trong lửa/ Nay trở về, ta lấy lại vàng ta...”.

 Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm dưới chân núi Pú Đồn ,trong rừng Mường Phăng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời”: Chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ảnh: THÀNH SƠN

 Tây Bắc là quê hương

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một nhiệm vụ khẩn trương là phải khắc phục hậu quả, hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra. Khi đó, ở miền Bắc dấy lên các phong trào “Lấy nông trường làm gia đình”, “Lấy Tây Bắc làm quê hương”. “Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?/ Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội/ Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi/ Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng/ Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/ Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?/ Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/ Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia....”. Đây là 2 khổ thơ đầu sau những câu đề từ trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, cũng chính là thông điệp thôi thúc tuổi trẻ lúc bấy giờ hăng hái lên Tây Bắc khai hoang, vỡ hóa.

Trong thời gian ở lại Điện Biên, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Hữu Chấp, cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi gắn bó với vùng đất anh hùng này. Ông bảo: “Ngày đó khí thế lắm! Ngay sau chiến dịch, tôi và các đồng đội được giao nhiệm vụ về quê vận động người thân lên khai hoang, lập các nông trường”. Và, những người lính như ông không chút nề hà, đưa cả gia đình lên Điện Biên. Vừa rời tay súng, bộ đội Cụ Hồ lại tập trung khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật, cùng đồng bào các dân tộc bản địa phát triển sản xuất và sẵn sàng cầm súng bảo vệ Điện Biên. Những năm sau đó, nhằm xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, công cuộc khai hoang, đặc biệt là xây dựng các nông trường tại Tây Bắc nói chung càng mạnh mẽ hơn...

Sự tích hoa ban

Thời điểm chúng tôi có mặt tại Điện Biên cũng là lúc mùa hoa ban nở trắng rừng, càng tạo nên cho Điện Biên một vẻ đẹp khó cưỡng. Hoa ban có một sự tích buồn đau, như chính mảnh đất Tây Bắc này phải chịu biết bao nhiêu đau thương do đạn bom trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chuyện kể rằng, thuở xưa, có chàng trai tên Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho người khác. Ban hết lời van xin nhưng không được. Ban chạy đi tìm Khum nhưng chàng lại theo cha đi mua trâu ở bản xa. Ban bèn lấy chiếc khăn piêu buộc vào cầu thang nhà người rồi lại bươn bả đi tìm. Ban đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu khản giọng, rồi kiệt sức, gục xuống. Nơi Ban nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông, người ta đặt tên là hoa ban. Còn Khum, khi về nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Khum đi mãi hết mường này, bản khác rồi chết vì kiệt sức. Khum hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng. Và, cứ đến mùa hoa ban nở, con chim đó lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết...

 Ông Nguyễn Hữu Chấp, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tặng cuốn “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” cho tác giả

Có lẽ vì thế mà “ban” trong tiếng dân tộc Thái là biểu trưng cho những gì tốt đẹp nhất. Bởi dù buồn đau nhưng chuyện tình chiếc khăn piêu của Khum và Ban đã trở thành một biểu tượng của lòng thủy chung, son sắt, đi vào trong thơ ca, hội họa. “Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng” vẫn như nhắn nhủ con người cần phải biết trân trọng “thủy - chung”, cùng những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Và, cũng chính từ những giá trị nhân văn cao đẹp ấy, đồng bào dân tộc ở Điện Biên, cùng biết bao nhiêu con Lạc cháu Hồng từ miền xuôi lên đã đoàn kết, giúp đỡ nhau để biến vùng đất bom cày, đạn xới trở nên xanh tươi, trù phú.

Đứng trên đỉnh đồi D1, cứ điểm cao nhất trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hôm nay, phóng tầm mắt ra xa, TP.Điện Biên Phủ được thu về trọn vẹn trong tầm mắt, đầy vẻ thơ mộng. Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát bên nhau dọc theo các dãy phố thênh thang. Xa xa nữa là những đỉnh núi chập chùng bóng mây, e ấp trong làn sương mờ ảo. Dưới chân núi, cánh đồng Mường Thanh được bao phủ bởi một màu xanh bát ngát, đẹp đến nao lòng!

Âm vang mãi khu rừng Đại tướng

Trên đường tới Mường Phăng (huyện Điện Biên), nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cách TP.Điện Biên Phủ chừng 40km. Khu di tích nằm dưới chân núi Pú Đồn, ẩn mình trong rừng Mường Phăng. Đây là một khu rừng già nguyên sinh, nay được đồng bào dân tộc ở đây đặt cho một cái tên rất đặc biệt: Rừng Đại tướng. Tại nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một quyết định mà sau này Đại tướng từng nói là “khó khăn nhất trong cuộc đời”: Chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ quyết định lịch sử này, chúng ta đã tạo nên âm vang huyền thoại của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mường Phăng giờ đã khác xưa nhiều lắm! Dọc theo các triền núi là các bản làng với những mái nhà sàn lợp ngói mới đỏ tươi. Cũng tại đây, có 2 ngôi trường đã được vinh dự mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nay trở thành khu di tích lịch sử, một điểm đến du lịch về nguồn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều người Pháp. Họ đến đây để tìm hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé, một đội quân mà thuở ban đầu chỉ có 34 người ấy lại có thể làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Còn chúng tôi đến đây để được nghe âm thanh vang mãi từ khu rừng Đại tướng...

“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”. Trong chiến tranh “vàng ta đau trong lửa. Nay trở về, ta lấy lại vàng ta...”.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=560
Quay lên trên