Mua hàng qua mạng: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Cập nhật: 26-01-2018 | 08:54:55

Thông qua mạng xã hội như Facebook, nhiều người đã lập các fanpage để bán hàng qua mạng. Đây là cách kinh doanh thuận lợi cho cả người bán và mua. Tuy nhiên, do tính chất “ảo” của mạng xã hội, một số người đã lợi dụng dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 “Treo đầu dê, bán thịt chó”

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tất cả các loại hàng hóa như quần áo, mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng… đều được quảng bá mạnh mẽ trên Facebook nhưng không được kiểm chứng về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Bên cạnh những thuận lợi, việc kinh doanh qua mạng xã hội cũng gặp không ít khó khăn từ cả phía khách hàng lẫn người bán khi có nhiều loại tội phạm lợi dụng điều này để mạo danh, lừa đảo hoặc bán các sản phẩm kém chất lượng.

Nhân viên giao hàng cho khách đặt hàng qua mạng
trên đường Hoàng Hoa Thám (TP.Thủ Dầu Một)

Chị Vũ Ngọc Hà, làm việc tại một cơ quan Nhà nước là người thường xuyên mua các mặt hàng qua mạng xã hội. Kể lại chuyện ấm ức của mình với chúng tôi, chị Hà cho biết nhiều người cũng gặp tình cảnh như vậy khi mua hàng trên mạng. Dù rằng nhà cung cấp cam kết “hàng thật, đúng như trong ảnh”, thế nhưng sau khi “tiền trao, cháo múc” thì hàng nhận được khác xa với ảnh quảng cáo và không thể đổi, trả lại. Là một người có kinh nghiệm trong việc mua hàng online, nhưng chị Hà vẫn bị tình trạng mua hàng không đúng như lời quảng cáo. Chị kể: “Tôi đã từng mua rất nhiều mặt hàng qua mạng như túi xách, quần áo, đồ trang điểm… nhưng rất nhiều lần nhận sản phẩm không ưng ý. Cụ thể như khi tôi đặt mua một cái gương trang điểm thì nhận hàng về không ráp được vì không đúng kích cỡ. Có lần tôi đặt mua đồ trang sức ở một tiệm đồ lưu niệm lúc đó, chiếc lắc bạc tôi đặt có mặt hình con chó và có giá đang khuyến mãi từ 400 ngàn giảm còn 200 ngàn đồng, tuy nhiên khi nhận được hàng thì chiếc lắc lại là hình con mèo, khi tôi yêu cầu đổi lại thì nhận được cái giống hình nhưng lại cũ hơn. Nhiều lần mua hàng qua mạng nhưng đều có vấn đề về chất lượng sản phẩm, chị Hà khuyên: “Không nên mua hàng qua mạng với những sản phẩm đắt tiền, khi mua phải kiểm tra trước khi trả tiền. Không nên mua các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vì không thể đánh giá sản phẩm qua hình ảnh và tác hại của nó về lâu dài thì mới biết được”.

Chị Huỳnh Thị Ngân (TP. Thủ Dầu Một) cho biết, mới đây chị mua chiếc áo sơ mi với giá 230 ngàn đồng cộng thêm 30 ngàn đồng tiền phí gửi hàng. Tuy nhiên, khi người giao hàng mang tới, chị yêu cầu được xem hàng trước khi thanh toán thì người này nhất quyết không chịu, buộc chị phải thanh toán tiền mới nhận hàng. Bị người giao hàng làm khó, chị đành thanh toán tiền rồi đưa đồ về. Khi về đến nhà, mở bọc đồ ra thì mẫu mã, màu sắc của áo gần giống với mẫu chị đặt, tuy nhiên chất vải quá mỏng và phom bị rộng, khác hoàn toàn với lời chủ của hàng quảng cáo là “hàng đẹp y hình”. Khi chị gọi điện thắc mắc với chủ cửa hàng thì nhận được phản hồi “tiền nào của ấy thôi em”.

Sự việc của chị Nguyễn Ngọc Hà, chị Huỳnh Thị Ngân là thực trạng chung của rất nhiều khách hàng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng qua mạng Internet. Rõ ràng, do đặc thù giao dịch mua bán hàng trực tuyến, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên nên hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình mua bán khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc giao dịch, mua bán trên diễn đàn, mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Trong khi đó, về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại.

Không đặt hàng, cũng nhận hàng

Liên hệ với chị Phạm Thị Cẩm Tiên, một chủ cửa hàng kinh doanh túi xách ở TP.Thủ Dầu Một, chị Tiên cho biết, mình là người kinh doanh các mặt hàng giày dép thời trang nhưng sản phẩm của chị luôn đúng với giá trị đồng tiền. Các đơn hàng “online” của chị rất nhiều, chủ yếu là khách tỉnh xa. Tuy nhiên, chị vẫn lưu ý với khách hàng là khi người giao hàng mang sản phẩm tới, khách hàng có quyền kiểm tra sản phẩm mà mình đặt đã đúng mẫu mã, chất lượng hay chưa nên đa số khách hàng của chị đều phản hồi tốt. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết có những trường hợp dở khóc dở cười. Khách hàng của chị phản ánh với chị là sao sản phẩm nhận về kém chất lượng. Tìm hiểu nguyên nhân chị mới biết được là, trong lúc “livetream” (phát trực tiếp) để bán hàng, nhiều khách hàng của chị có để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng trong lúc chị phát trực tiếp, nên nhiều người bán các mặt hàng tương tự như chị đã tùy tiện liên hệ với khách hàng của chị để gửi hàng, tuy nhiên, sản phẩm mà họ gửi thì có vẻ giống mẫu mã nhưng lại không hề giống với chất lượng hàng của chị.

Còn bạn Nguyễn Thị Kiều, sinh viên trên địa bàn tỉnh phản ánh, cũng là một người hay mua hàng online, kinh nghiệm của Kiều là mua những nơi uy tín, bảo đảm chất lượng. Đặt mua một cái áo trên mạng xã hội “facebook” của một chị bán hàng khá uy tín vì đã từng mua ở đó nhiều rồi. Nhưng khi người giao hàng mang đến và thu tiền, vì nghĩ người quen nên chị cũng không vội kiểm tra mà cứ thế mang về. Đến khi mở gói hàng ra thì đó là một chiếc áo nhái với nhãn hiệu chị đặt mua. Ấm ức, chị gọi điện cho chủ cửa hàng cũ thì được biết hàng vẫn chưa giao vì mới chốt. “Chắc do mình ghi địa chỉ trong khi bình luận đặt hàng trên facebook nên mới có những trường hợp như vậy”, Kiều cho biết.

Một khách hàng đang truy cập vào fane page “Rẻ mỗi ngày”
để đặt hàng qua mạng

Luôn bảo vệ người tiêu dùng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, cho biết giao dịch điện tử đang là xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đi lại. Bán hàng qua mạng thực chất là một xu thế của một xã hội văn minh, tuy nhiên khi về Việt Nam lại bị các thành phần xấu làm “biến chất” những lợi ích của việc mua bán qua mạng. “Một số người dân ở TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một đã từng mua hàng qua mạng nhưng khi nhận được sản phẩm không như mong muốn như vợt muỗi, máy tính xách tay, đồ gỗ mỹ nghệ... Qua phản ánh, chúng tôi đã từng can thiệp hiệu quả giúp một số trường hợp được bồi hoàn khi mua hàng không đúng. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng khi giao dịch qua mạng xã hội thì chỉ chọn những trang, đơn vị, cá nhân buôn bán có uy tín, trách nhiệm và nên cân nhắc, tỉnh táo khi mua các mặt hàng qua mạng. Nếu khi giao dịch mua hàng không được như mong muốn và không giống như các chủ cửa hàng bảo đảm, khách hàng có thể khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc có thể kiện ra tòa án”, ông Bán khuyến cáo.

Ông Bán cũng mong muốn rằng, là những người kinh doanh, hãy là người kinh doanh có tâm, có đạo đức trong kinh doanh. Phải tuân thủ pháp luật, không buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng cấm, không lừa dối khách hàng và đối tác. Chữ “tâm” kinh doanh còn cần có cả trong văn hóa cạnh tranh. Cạnh tranh là thuộc tính của kinh tế thị trường. Doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu, sản phẩm bằng chất lượng hàng hóa và dịch vụ lành mạnh, tránh cạnh tranh kiểu triệt tiêu, bôi xấu.

HUỲNH THỦY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1020
Quay lên trên