Nước lũ gây ngập lụt tại xã Cam Thụy, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 8/10, mưa lũ đã làm năm người tử vong, trong đó tại tỉnh Quảng Trị có một người, tại tỉnh Gia Lai hai người, tại tỉnh Lào Cai hai người.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của triều cường, 9km bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5km); xã Phú Thuận (2km); xã Phú Diên (2km); xã Phú Hải (1,5km), xã Hải Dương (1km).
Lúc 13 giờ ngày 7/10, tàu Công Thành 27 đi từ Quảng Ninh đến Cần Thơ (chở 4.500 tấn hàng cùng 11 thuyền viên), khi đi ngang qua vùng biển tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sóng gió lớn làm nước tràn vào tàu gây hỏng động cơ. Tàu phát tín hiệu cầu cứu, 11 thuyền viên đã được cứu hộ, đưa vào bờ an toàn.
Tại tỉnh Quảng Nam xảy ra 24 điểm sạt lở ở đúng các vị trí sạt lở (huyện Tây Giang) do bão số 5 gây ra.
Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương đã tổ chức các lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân và thăm hỏi, động viên gia đình có người tử nạn, mất tích và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn diện rộng, đặc biệt tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 20/CĐ-TW ngày 6/10 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và các hình thái thời tiết bất thường, trong đó tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, cô lập; chủ động triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Các địa phương cần tổ chức lực lượng kiểm soát, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc, tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông để đảm bảo an toàn.
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giao các Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tại các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng cho tìm kiếm cứu nạn và khắc phục các sự cố về giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc khi xảy ra tình huống.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cung cấp các bản tin dự báo.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đơn vị chức năng nhắn tin cho các thuê bao thuộc các khu vực chịu ảnh hưởng.
Các đơn vị chức năng cần tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du, đặc biệt cần sẵn sàng phương án sơ tán dân khu vực hạ du có nguy cơ chịu ảnh hưởng; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, nhất là các hồ nhỏ; chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời khi có tình huống.
Các địa phương cần chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng lũ cao kéo dài. Quyết định cho học sinh vùng ngập lũ nghỉ học khi cần thiết để đảm bảo an toàn; rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương cần thường xuyên cập nhật về diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó./.
Theo TTXVN