Báo cáo của CSIS nhận định, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Buổi công bố báo cáo của CSIS
“Mỹ coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á-Thái Bình Dương”. Đây là nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á trong bản báo cáo về quan hệ Việt-Mỹ vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) công bố sáng 2/10.
Ngoài những đánh giá và phân tích chuyên sâu, bản báo cáo còn đưa ra những khuyến nghị để cải thiện hơn nữa quan hệ giữa 2 nước trong tương lai.
Với tựa đề “Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Việt: Làm sâu sắc quan hệ sau 2 thập kỷ bình thường hóa”, báo cáo của CSIS tập trung vào 3 trụ cột chính trong quan hệ Việt-Mỹ: hợp tác chính trị và an ninh, quan hệ thương mại và đầu tư, và quan hệ nhân dân, bao gồm cả hợp tác về giáo dục, y tế và môi trường.
Báo cáo nhận định, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến quốc phòng và văn hóa, với những dấu mốc quan trọng như chuyến thăm của cựu Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam năm 2000 và quan hệ đối tác toàn diện được xác lập vào năm 2013 trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á-Thái Bình Dương và 2 nước đang chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Scot Maciel đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương: “Trong lĩnh vực ngoại giao, chúng tôi đã phối hợp rất hiệu quả với Việt Nam tại ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, APEC…Việt Nam là một đối tác tốt trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực”.
Theo báo cáo của CSIS, cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và thương mại tại Biển Đông, ngăn ngừa sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ và đảm bảo giải quyết các xung đột biển bằng biện pháp hòa bình.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương thì duy trì quan hệ một cách chiến lược với Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng trong việc hình thành các lợi ích chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á.
Ông Murrey Hiebert, đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Rất nhiều quan chức cao cấp Mỹ đã và sẽ tới Việt Nam. Cuối năm ngoái là Ngoại trưởng John Kerry, năm nay là Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Tướng Dempsey ít khi công du nước ngoài nên việc ông ấy tới Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Vào tháng 11 tới, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và có thể là đệ nhất phu nhân Michell Obama cũng sẽ thăm Việt Nam. Do vậy mà tôi cho rằng chính sách xoay trục, chí ít là sang Việt Nam, vẫn đang được xúc tiến”.
Báo cáo của CSIS cho biết quan hệ kinh tế đang là nền tảng và động lực của quan hệ đối tác Việt-Mỹ. 12 năm sau khi 2 nước ký hiệp định thương mại song phương, thương mại 2 chiều đã đạt 25 tỷ USD vào năm 2013.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và hiện đứng thứ 7 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ kinh tế và thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương kết thúc.
Về hợp tác chính trị, an ninh và quốc phòng, báo cáo của CSIS nhấn mạnh đây là một lĩnh vực thành công trong quan hệ song phương, với việc 2 bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao.
Việt Nam và Mỹ hiện đang duy trì 2 cuộc đối thoại cấp thứ trưởng hàng năm nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh. Các quan chức 2 bên cũng thường xuyên gặp gỡ để trao đổi về vấn đề nhân quyền.
Theo các chuyên gia của CSIS, giáo dục đang trở thành mắt xích quan trọng nhất trong quan hệ nhân dân. Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 tại châu Á-Thái Bình Dương về số lượng du học sinh tại Mỹ.
Bên cạnh đó, 2 nước cũng đang phối hợp giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam và rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Ngoài những tiến bộ đã đạt được, báo cáo cũng nêu ra những vấn đề còn khác biệt giữa 2 bên, trong đó có nhân quyền, tranh chấp thương mại…
Tuy nhiên, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, Ernest Bower khá lạc quan về triển vọng thu hẹp bất đồng giữa 2 nước: “Các đối tác tốt thường có quan điểm khác biệt với nhau. Chúng tôi có quan điểm khác biệt trong vấn đề nhân quyền nhưng tôi không nghĩ rằng quan điểm của chúng ta quá khác nhau. Trao đổi với nhau càng nhiều, chúng ta sẽ tin tưởng nhau hơn và trở nên gần gũi hơn. Đối với tôi thì đó không phải là trở ngại lớn”.
Bên cạnh những đánh giá về quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm qua, bản báo cáo đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo các chuyên gia nghiên cứu của CSIS, Mỹ cần cam kết tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Obama sang Việt Nam vào năm 2015 nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, nới lỏng và tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và mở rộng các hoạt động chung giữa hải quân 2 nước sang các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, diễn tập tìm kiếm cứu nạn.
2 bên cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán hiệp định TPP, tăng cường đối thoại chính phủ về thương mại và đầu tư, đối thoại giữa doanh nghiệp 2 nước, nới lỏng các hạn chế và bảo hộ thương mại.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo đúng tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước.
Các chuyên gia CSIS cũng đề nghị chính phủ Mỹ thực hiện đầy đủ kế hoạch tẩy độc dioxin tại các sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, cũng như hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Nhận định chung về quan hệ Việt-Mỹ, ông Ernest Bower tin rằng 2 nước đang đi đúng hướng mà một minh chứng sẽ là việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong tương lai gần.
Ông Bower nói: “Tôi tin rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Chúng ta đã xây dựng được lòng tin đối với nhau và tôi cho rằng chỉ trong 1 thời gian ngắn nữa, Mỹ sẽ dỡ bỏ, ít nhất là một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam”./.
Theo VOV