Nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Cập nhật: 06-11-2020 | 21:50:32

Đại dịch bệnh Covid-19 mang đến thử thách lớn cho thị trường, đồng thời lại là chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng, đem đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

Trong dịch bệnh, hoạt động thương mại truyền thống gặp khó, nhiều DN chuyển hướng khai thác thương mại điện tử. Trong ảnh: DN giới thiệu sản phẩm tại hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội TP.Thủ Dầu Một năm 2020. Ảnh: THANH HỒNG

Thích ứng trong khó khăn

Dịch bệnh Covid-19 gây ra tác động trên hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội. Thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa. Trong tình huống đó, các DN phát triển kênh phân phối số, doanh thu tăng vọt. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn, tiểu thương đã bắt đầu quan tâm và thực hiện việc chuyển đổi số khi rất nhiều tiểu thương đưa một số mặt hàng đặc trưng lên online.

 Từ các ngành hàng dễ dàng dịch chuyển kinh doanh online như thời trang, tiêu dùng, mỹ phẩm... đến gần đây là các mặt hàng quen thuộc nông sản, thực phẩm đều đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống TMĐT.

Thực tế cho thấy mua bán online không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng mà còn giúp các nhà hàng, quán ăn có được doanh thu cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Các “ông lớn” của ngành bán lẻ cũng đã bắt nhịp ngay với thị trường TMĐT.

Đại diện siêu thị Lotte Mart Bình Dương chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online qua điện thoại của hệ thống siêu thị đã tăng gấp 10 lần so với trước đây. Có được sự tăng trưởng đột phá một phần là do Lotte Mart đã thực hiện chính sách giao hàng ưu đãi. Đối với mảng xuất khẩu, dịch bệnh Covid-19 cũng tạo ra những hành vi tiêu dùng mới có lợi cho mảng trực tuyến.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ngành gỗ đang nỗ lực thực hiện việc đẩy mạnh bán hàng online trên các sàn TMĐT. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết ngay trong đỉnh dịch bệnh thì các DN ngành gỗ vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang quảng bá trực tuyến với sự hợp tác mạnh từ các ông lớn như Amazon, Alibaba. BIFA tích cực hỗ trợ DN chuyển đổi số hóa, đặc biệt phát triển TMĐT, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Đồng thời, ký kết với một số DN cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D...

Nâng sức cạnh tranh

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, để phát triển tiêu dùng online cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong DN, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đồng thời, cần có một quy trình quản lý chất lượng bảo đảm, giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết để TMĐT phát triển đồng bộ, hiệu quả, ngoài việc chịu sự tác động bởi nhu cầu của thị trường, năng động về kinh doanh, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng… DN tham gia TMĐT cần bán sản phẩm chất lượng, có địa chỉ rõ ràng, dịch vụ hậu mãi thật tốt.

Trong tương lai nên phát triển TMĐT hình thức hợp đồng mang tính chất bảo lãnh, các bên nhận phí bảo lãnh phải có trách nhiệm đối với cả 2 bên. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) truyền thống như hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm tại Bình Dương phải hủy hoặc hoãn.

Do đó, để kịp thời hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, đồng thời tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, ngành công thương đã nỗ lực hỗ trợ các hiệp hội và DN ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các nền tảng số vào công tác XTTM. Sở Công thương đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, nhằm đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới.

 Với các giải pháp hỗ trợ mạnh từ Chính phủ, bộ ngành và sự quyết liệt của địa phương, kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Bình Dương nói chung và ngành gỗ nói riêng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ sau dịch bệnh.

- Ông Điền Quang Hiệp cho rằng các DN khi tham gia vào loại hình kinh doanh online sẽ mang tính chủ động rất cao. DN phải bán sản phẩm do mình thiết kế khi tìm hiểu thị trường online, lâu nay DN rất yếu về thiết kế vì đa phần làm hàng gia công. Ban đầu sẽ có nhiều khó khăn song một thời gian DN sẽ thực hiện tốt. Tại BIFA, sau hơn 1 tháng hợp tác, nhiều DN đã xây dựng được hệ thống bán hàng online, chủ động được thị trường xuất khẩu và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.
- Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của sàn thương mại Alibaba cho rằng các DN Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Bên cạnh đầu tư mẫu mã, chất lượng các DN cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực cho mảng TMĐT. Nhân sự cần sự nhanh nhạy để nắm bắt thông tin, trao đổi với khách hàng lấp đầy “khoảng trống” khi không trực tiếp giao dịch.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=717
Quay lên trên