Trong năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015 vừa khép lại, Việt Nam đã vượt qua nhiều thác ghềnh hiểm trở để đạt được những thành quả nổi bật. Việt Nam bước vào năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020 với những thời cơ mới, vận hội mới.
Ảnh minh họa.
Năm mới bao giờ cũng đem đến luồng sinh khí mới, nhưng năm 2016 này đã được mở đầu trong một không khí thực sự lạc quan, với niềm tin mãnh liệt vào bước phát triển mới của đất nước. Phải khẳng định rằng sự lạc quan và niềm tin ấy có cơ sở vững chắc từ thực tiễn của đất nước.
Ngày cuối năm, trong một status ngắn mang tính tổng kết đăng trên Facebook, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã nhận xét, trong khi “bên ngoài nhìn bức tranh chung nên thấy nền kinh tế Việt Nam rất lạc quan”, thì “trong nước thường so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển hay đi trước Việt Nam rất xa và nhiều người kỳ vọng quá cao vào vai trò của nhà nước nên thường rất bi quan”.
“Công bằng mà nói, Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng ba thập niên qua, so sánh toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm nước có sự cải thiện tốt nhất về những chỉ tiêu cơ bản”.
Cũng vào những ngày cuối tháng 12, ANZ-Roy Morgan công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, cao nhất trong 2 năm qua và lần đầu tiên đạt mức cao nhất trong khu vực châu Á. Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định, với số liệu này đã “cho thấy niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016-2017”.
Nhìn lại 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản đến từ thành quả của mấy chục năm đổi mới, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Đó là tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thế nhưng, “sóng cả” đã không thể làm ngã tay chèo, mà ngược lại, chính trong khó khăn thách thức, khát vọng vươn lên và tiềm năng, tiềm lực của đất nước càng được khơi dậy, vai trò của những người “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và nhân dân cũng càng được khẳng định.
Phải nhớ lại những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất, khi bất ổn vĩ mô trở thành một thách thức lớn với lạm phát tăng vọt lên 2 con số năm 2011, khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam…, chúng ta mới thấy được thành quả đạt được hôm nay có ý nghĩa thế nào.
Mặc dù nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011-2015 là khá cao do chưa lường hết những khó khăn thách thức, nhưng đến cuối nhiệm kỳ, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Bài học lớn trong 5 năm qua là trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, phải luôn sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất, tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Như Thủ tướng đã nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là tất cả cũng vì sự phát triển, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Những ngày cuối cùng của năm 2015, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm, nhưng ở giai đoạn cuối của chặng đường 5 năm, hội nghị càng đặc biệt quan trọng vì qua đây, các nhà quản lý, điều hành vừa nhìn lại, tổng kết cả một thời kỳ, đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm, trên cơ sở đó nhìn tới năm 2016 mở đầu giai đoạn mới của đất nước.
Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 được thảo luận, với tinh thần được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rất nhiều lần trước các bộ ngành, địa phương là triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt ngay từ tháng đầu, ngày đầu của năm mới.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết đã được xây dựng theo tinh thần lựa chọn một số mục tiêu, nhiệm vụ then chốt để quyết liệt tập trung, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2016. Chính phủ đã xác quyết hàng loạt giải pháp, đường hướng vừa tổng quát, toàn diện, vừa cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và có thể nói, tất cả những giải pháp đó đều được đúc kết từ thực tiễn vô cùng sinh động và phong phú suốt 5 năm qua của tình hình đất nước.
Tình hình đã được xoay chuyển, nguy đã thành an. Thời cơ mới, vận hội mới đang mở ra và điều quan trọng nhất lúc này là cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đi theo lộ trình cải cách đã được xác lập.
Theo Chinhphu.vn