Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Một trong những đề án đáng chú ý thời gian qua là “Tuyên truyền PBGDPL cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì.
Một tiểu phẩm biểu diễn tại hội thi tìm hiểu pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lần II do Sở NN&PTNT tổ chức
Thực hiện tốt chính sách PBGDPL cho đối tượng đặc thù
Căn cứ Quyết định 409/QĐ- TTg ngày 9-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/ TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Sở NN&PTNT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” từ năm 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Bình Dương tại Quyết định số 1505/ QĐ-UBND ngày 20-6-2013. Theo đó, Sở NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng và triển khai đề án.
Từ đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 790/QĐ- UBND ngày 6-4-2015 về việc kiện toàn, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” gồm 22 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị, thành phố; trong đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT làm Trưởng ban. Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo đề án cho biết: “Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong công tác PBGDPL nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của UBND tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện cụ thể từng năm và đặc biệt trong năm 2015 đã đạt được một số kết quả nhất định”.
Theo ông Dần, bám sát Kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo Quyết định 1505/QĐ- UBND tỉnh ngày 20-6-2015, trong năm qua, Thường trực Ban chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-BCĐ ngày 13-4-2015 của Ban chỉ đạo tuyên truyền PBGDPL về thực hiện đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”. Ban chỉ đạo đã phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, huyện, thị, thành phố hướng dẫn các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện trong năm cụ thể, rõ ràng về nội dung, thời gian, địa điểm, kinh phí cũng như trách nhiệm của từng đơn vị làm cơ sở trong việc phối hợp thực hiện kế hoạch đề án. Ngoài ra, các đơn vị đã linh hoạt phối hợp với các huyện, thị, xã, phường, thành phố trong việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý lưu động với việc kết hợp nhiều nội dung tuyên truyền, hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được
Trong năm qua, Ban chỉ đạo đề án đã biên soạn, in ấn và cấp phát 159.250 tờ rơi tuyên truyền PBGDPL gồm các nội dung về: Các luật mới được ban hành, nội dung về An toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm sạch, an toàn, quản lý bảo vệ phát triển rừng, kiểm soát giết mổ, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp… Các thành viên đề án đã cấp phát 63 cuốn sổ tay hỏi - đáp pháp luật về Hôn nhân và Gia đình, 86 cuốn sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân và 2.640 tờ gấp tìm hiểu Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Hiến pháp năm 2013… Nội dung tuyên truyền PBGDPL thường xuyên được cập nhật trên Bản tin Nông dân Bình Dương với 11 kỳ, tương đương 33.0000 cuốn phát hành các nội dung hỏi đáp pháp luật, cung cấp thông tin tuyên truyền về văn bản pháp luật mới liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn cho cán bộ, hội viên, nông dân làm tài liệu nghiên cứu, học tập, sinh hoạt ở các tổ, hội, CLB.
Trong năm 2015 toàn tỉnh đã thành lập được 9 CLB “Nông dân với pháp luật”, nâng số CLB được thành lập giai đoạn 2013-2016 là 25 CLB với 940 thành viên tham dự; Duy trì hoạt động 9 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 301 thành viên. Tỉnh hội đã rà soát, củng cố lại mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng để PBGDPL. Đến nay, đã thực hiện được 233 địa chỉ với 1.463 thành viên tham dự, tư vấn và hỗ trợ 47 trường hợp, tuyên truyền được 115 cuộc cho 5.207 lượt chị em phụ nữ.
Về công tác tổ chức phổ biến pháp luật, thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với các đối tượng vùng, miền. Trong năm qua, Ban chỉ đạo đề án đã tổ chức phổ biến được tổng số 8.036 cuộc với 345.290 lượt người tham gia, nội dung gồm: Hiến pháp, các luật mới được ban hành; những kỹ năng cơ bản cho cán bộ hội trong công tác tuyên truyền pháp luật, tham gia hòa giải, tham gia tiếp công dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua các hình thức đa dạng như các hội thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt CLB…
Đáng chú ý khi nhắc đến kết quả của đề án là trong năm 2015 đã thành lập được 9 CLB “Nông dân với pháp luật” nâng số CLB được hội thành lập theo Tiểu đề án 3 giai đoạn 2013-2016 là 25 CLB với 940 thành viên tham dự; Duy trì hoạt động 9 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 301 thành viên. Tỉnh hội đã rà soát, củng cố lại mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng để PBGDPL. Đến nay, đã thực hiện được 233 địa chỉ với 1.463 thành viên tham dự, tư vấn và hỗ trợ 47 trường hợp, tuyên truyền được 115 cuộc cho 5.207 lượt chị em phụ nữ.
Bên cạnh đó, hội thi tìm hiểu pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được tổ chức nhiều năm gần đây với hình thức sinh động, được xem là một trong các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thiết thực, là sân chơi thú vị, bổ ích cho những cán bộ, công chức công tác trong ngành NN&PTNT.
Nói về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo đề án cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các tiểu đề án trong năm 2016. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiện toàn lại Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc đề án. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập trung tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số bằng mọi hình thức nhằm trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho người dân. Ngoài việc tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, chúng tôi sẽ lựa chọn những nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng, địa bàn, lựa chọn địa bàn trọng điểm để tuyên truyền. Bên cạnh đó, việc đổi mới hình thức tuyên truyền sao cho sinh động, thu hút nhiều người tham gia cũng là một cách để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiện toàn lại Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc đề án. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập trung tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số bằng mọi hình thức nhằm trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho người dân. Ngoài việc tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, chúng tôi sẽ lựa chọn những nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng, địa bàn, lựa chọn địa bàn trọng điểm để tuyên truyền. Bên cạnh đó, việc đổi mới hình thức tuyên truyền sao cho sinh động, thu hút nhiều người tham gia cũng là một cách để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”, ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
TÂM TRANG