Nâng cao chỉ số cải cách hành chính: Cần những giải pháp quyết liệt

Cập nhật: 25-07-2019 | 02:25:32

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của tỉnh vẫn còn những lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì những tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm cao và cải thiện những tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm hoặc không đạt điểm cần có thêm những giải pháp quyết liệt hơn.

 Cán bộ “một cửa” cấp cơ sở cần thể hiện sự gần gũi với nhân dân trong giải quyết TTHC. Trong ảnh: Cán bộ phường An Phú, TX.Thuận An hướng dẫn người dân điền biểu mẫu TTHC

 Ghi nhận 2 sáng kiến

Theo Chỉ số CCHC năm 2018 được Bộ Nội vụ công bố, Bình Dương đứng thứ 15/63 tỉnh, thành, đạt tổng điểm 79/100. Trong đó, điểm thẩm định đạt 47,98/64,5 điểm (điểm trung bình của cả nước là 46,28), điểm điều tra xã hội học 29,01/35,5 (điểm trung bình của cả nước là 27,54), so với năm 2017 giảm 4,71 điểm và giảm 8 bậc. Kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ, lĩnh vực chỉ đạo, điều hành CCHC của Bình Dương đạt 7,75/9 điểm. Trong đó đáng lưu ý là Hội đồng thẩm định đã công nhận 2 sáng kiến của Bình Dương, gồm: Sáng kiến 1, thí điểm liên thông thủ tục hành chính (TTHC) cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Sáng kiến 2, thí điểm bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp xã thuộc UBND TP.Thủ Dầu Một để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020.

Lĩnh vực cải cách TTHC, Bình Dương đạt 11,42/13 điểm. Ở lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, Bình Dương đạt 4,74/7,5 điểm. Lĩnh vực này giảm điểm, theo Bộ Nội vụ, tỉnh Bình Dương sử dụng biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp nhiều hơn số biên chế Trung ương giao, mặc dù tỉnh đã giải trình cụ thể nguyên nhân số biên chế tăng thêm này. Ở lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bình Dương đạt 5/7,5 điểm. Trong đó, đáng lưu ý là về thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm không đạt điểm. Ở lĩnh vực cải cách tài chính công, Bình Dương đạt 5,5/8,5 điểm. Kết quả điểm thông qua điều tra xã hội học của tỉnh đạt 29,01/35,5 điểm, cụ thể như sau: Kết quả khảo sát, lấy ý kiến công chức, lãnh đạo quản lý, đạt 18,75 điểm (điểm trung bình của cả nước là 17,56 điểm). Kết quả Chỉ số SIPAS, đạt 10,26 điểm (điểm trung bình của cả nước là 9,98 điểm), tương ứng với tỷ lệ hài lòng đạt 85,03%...

Nâng cao trách nhiệm

Từ những con số công bố này, chúng ta thấy rằng, Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh vẫn còn những lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm hoặc không có điểm. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì những tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm cao và cải thiện những tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm hoặc không đạt điểm, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cùng với đó là kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng tập thể, cá nhân có những sáng kiến hay, giải pháp tốt, cách làm hiệu quả trong công tác CCHC.

Để nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC là rất lớn, nhất là trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC và việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh. Cùng với đó, các sở, ngành có trách nhiệm tham mưu và thực hiện tốt trách nhiệm và phần việc của mình để tăng cường trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành nhằm cải thiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần, nhất là các tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm, chưa đạt điểm cao.

Chú trọng yếu tố con người

Mục đích cuối cùng của việc cải thiện Chỉ số CCHC hàng năm là nhằm phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Do vậy, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC của ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Để quyết tâm nâng hạng Chỉ số CCHC vào năm 2019, tỉnh cũng đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt, nhất là tập trung tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra công vụ, giám sát, công bố kết quả giải quyết TTHC, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, gắn với nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trong các giải pháp này, giải pháp nào cũng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vai trò của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị. Trong công tác CCHC, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại, có nhiều giải pháp hữu hiệu đề ra, nhưng nếu không có cán bộ có “tâm và tầm” và người đứng đầu dám nghĩ dám làm thì việc thực hiện giải pháp sẽ dễ dẫn đến kết quả chung chung, khó thành công như mong muốn. Do vậy, mỗi cán bộ phải phát huy vai trò của mình. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, nhất là ở cơ sở phải quyết liệt thực hiện những giải pháp của tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.

 Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: (0274) 3.835.029; địa chỉ email: kiemsoat. tthc@binhduong.gov.vn

 LÝ VĂN ĐẸP (Phó Giám đốc Sở Nội vụ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên