Trong thời gian qua, việc tự kê khai thuế của doanh nghiệp (DN) có nhiều thuận lợi về thủ tục hành chính, nhưng cũng có nhược điểm là DN không chấp hành khai thuế, trốn thuế. Mặt khác, việc quản lý thu thuế của Cục Thuế đối với DN vẫn còn một số khó khăn, tồn tại gây ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Vì vậy, việc phân công quản lý DN cho Cục Thuế, các chi cục quản lý và thu thuế theo hướng dẫn Thông tư số 127/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm soát đối với từng cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Công tác phân công cơ quan thuế quản lý DN là bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho công tác thu nộp thuế, qua đó thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: DN Hàn Quốc nêu ý kiến cải cách thủ tục hành chính thuế trong Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương vừa qua. Ảnh: THANH HỒNG
Nhiều nỗ lực
Từ năm 2013, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về phân cấp quản lý thuế đối với DN ngoài quốc doanh với tiêu thức vốn từ 50 tỷ đồng trở lên được phân công cho Cục Thuế quản lý, đơn vị đã phân cấp giao các Chi cục Thuế huyện, thị, thành phố quản lý tổng số 1.030 DN. Việc phân công quản lý này đã tạo điều kiện để DN nhận được sự hướng dẫn nhanh chóng và sâu sát từ chi cục thuế địa phương trên tình hình diễn tiến thực tế, từ đó đã tạo điều kiện để DN chủ động hơn về thời gian, công việc. Bên cạnh đó, các chi cục thuế đã chủ động trong khai thác nguồn thu, tích cực hơn trong quản lý thuế góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Cục Thuế, cho biết những nỗ lực trong cải cách hành chính thuế, kê khai thuế, quản lý thuế và nộp thuế nhìn chung được DN đánh giá cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thu thuế, ngành thuế còn gặp những khó khăn cần được các cấp quan tâm giải quyết. Theo ông Trí, lộ trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế rất cần các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm phục vụ nhanh chóng nhu cầu cập nhật, trao đổi thông tin giữa ngành thuế với DN. Tuy vậy, hiện nay trang thiết bị tin học của các chi cục thuế không đồng bộ nên khi tiếp nhận dữ liệu của DN có dữ liệu chứa dung lượng lớn thường xảy ra nghẽn mạng, làm ảnh hưởng đến việc kê khai thuế và nộp thuế điện tử của DN. Mặt khác, số đối tượng nộp thuế ngày một tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến việc cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu quản lý thuế trong tình hình hiện nay.
Ông Trí cho rằng, về cơ cấu tổ chức bộ máy cũng là vấn đề khó. Thực tế hiện nay, các chi cục thuế chưa có chức năng thanh tra thuế, nên khi phát hiện DN có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thì phải chuyển hồ sơ về Cục Thuế để tiến hành thanh tra thuế. Điều này khiến các chi cục thuế không chủ động tiến hành thanh tra khi phát hiện dấu hiệu trốn thuế.
Đối với công tác quản lý và cưỡng chế nợ thuế, thời gian qua ngành thuế cũng gặp nhiều khó khăn khi tình hình nợ đọng thuế của các DN trên địa bàn có chiều hướng tăng. Trong khi đó, nợ đọng thuế của các DN ngoài quốc doanh do chi cục thuế quản lý tương đối lớn, trong khi lực lượng cán bộ quản lý và cưỡng chế nợ thuế tại chi cục thuế quá mỏng nên chưa thể thu hồi nợ đọng thuế theo chỉ đạo của ngành và của UBND tỉnh.
Hoàn thiện công tác quản lý thuế
Thuế thu từ các DN ngoài quốc doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với Cục Thuế các địa phương trong cả nước. Tại Bình Dương, trong những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ thuế tại các chi cục, tổng số thuế thu từ đối tượng nộp thuế này đều tăng qua từng năm. Dự toán thu năm 2015, toàn ngành thực hiện là 24.000 tỷ đồng, tăng 6,67% so với thực hiện năm 2014. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều DN ngoài quốc doanh chưa có ý thức với nghĩa vụ nộp thuế. Qua kiểm tra thuế năm 2014, toàn ngành đã xử lý truy thu, thu hồi trên 126 tỷ đồng/1.759 DN ngoài quốc doanh.
Trước thực trạng này, ngày 21-8-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 127/2015/TT-BTC hướng dẫn về việc cấp mã số DN tự động theo phương thức điện tử và phân công cơ quan quản lý thuế đối với DN. Theo đó, căn cứ Bộ tiêu thức khung về phân công cơ quan thuế quản lý DN của Tổng cục Thuế hướng dẫn, Cục Thuế đã xây dựng Bộ tiêu thức phân công quản lý thuế đối với DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo Cục Thuế cho biết, theo kế hoạch phân công quản lý thuế này, việc điều tiết số thu ngân sách được phân bổ theo tỷ lệ dựa trên địa giới hành chính, trong khi việc phân công quản lý thuế không làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều đáng mừng là kế hoạch thực hiện phân công lại đối với các DN ngoài quốc doanh đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo tiêu thức phân công quản lý thuế tại Thông tư 127/2015/TT-BTC đã được kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII thông qua. Đây là thay đổi tích cực giúp giảm bớt thủ tục hành chính thuế đối với các DN này. Kế hoạch này còn tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý thuế trong thời gian tới.
THANH HỒNG