Bên cạnh nhiều doanh nghiệp (DN) làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), vẫn còn không ít DN thờ ơ, thiếu quan tâm đúng mức việc xây dựng lực lượng, đầu tư hệ thống trang thiết bị PCCC. Việc tổ chức kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng khi xảy ra cháy nổ chưa tốt, là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy lớn gây thiệt hại tài sản của DN.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra họng tiếp nước hệ thống PCCC trong một KCN ở TX.Dĩ An
Nhiều DN chưa thực hiện triệt để công tác PCCC
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy. Trong đó, có 8 vụ là DN nước ngoài, 11 vụ cháy xảy ra tại các công ty, cơ sở gia công chế biến gỗ trong nước. Thiệt hại về tài sản hơn 73,6 tỷ đồng, làm 1 người chết, 3 người bị thương. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC, số tài sản cứu được từ các vụ cháy ước tính trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trước tình hình xảy ra cháy nổ tại các DN, cơ sở sản xuất, nhất là các khu công nghiệp (KCN) còn nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng PCCC Công an tỉnh đã chủ động tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, bên cạnh những DN quan tâm thực hiện triệt để công tác bảo đảm PCCC vẫn còn không ít DN chưa quan tâm công tác PCCC. Dù được đầu tư trang thiết bị hiện đại đến đâu, nhưng lực lượng chữa cháy tại chỗ không được đào tạo, trải qua kinh nghiệm thực tế thì khó có thể xử lý kịp thời khi xảy ra cháy. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt hỗ trợ thì lửa đã bùng phát và khó ngăn chặn.
Điển hình như vụ cháy tại kho Công ty Pacific ở KCN Sóng Thần 2 (TX.Dĩ An), gây thiệt hại cho DN rất lớn. Vụ cháy có thể được ngăn chặn kịp thời nếu lực lượng chữa cháy tại chỗ xử lý tốt ngay khi ngọn lửa bùng phát. Dù DN, chủ cơ sở đầu tư hạ tầng các KCN có sự đầu tư không nhỏ cho phương tiện, trang thiết bị, hệ thống PCCC mà không đề cao tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”, nhất là vấn đề nhân sự, thì khó đạt được kết quả tuyệt đối cho công tác phòng PCCC.
Hỏa hoạn tại các khu công nghiệp luôn gây thiệt hại lớn về tài sản
Trao đổi với phóng viên, nhiều DN cho biết khó khăn hiện nay của các DN là chưa thể xây dựng được một lực lượng chuyên trách cho công tác PCCC. Nhiều nơi lực lượng tham gia PCCC kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trong khi chưa được hưởng thêm khoản phụ cấp nào để họ có thể dồn hết sức mình làm tốt vai trò, trách nhiệm khi xảy ra sự cố cháy nổ. Đó là chưa kể tình trạng biến động lao động tại DN khiến lực lượng hay bị thiếu hụt, gây khó khăn cho việc duy trì và phát huy vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ.
Hiện nay, trên thực tế nhiều vụ cháy xảy ra, do bảo vệ tính mạng con người là quan trọng, nên lực lượng PCCC ở cơ sở chủ yếu lo sơ tán người trong khu vực cháy đến nơi an toàn, còn tài sản thì hầu như khó sơ tán kịp. Nhiều ý kiến cho rằng tâm lý nhà xưởng, trang thiết bị, sản phẩm đã được chủ DN mua bảo hiểm, nên lực lượng tại chỗ cũng ít quan tâm đến việc sơ tán để giảm bớt thiệt hại.
Máy bơm, bình xịt chữa cháy không hoạt động
Theo chân đoàn kiểm tra đi thực tế về công tác PCCC tại một KCN trên địa bàn TX.Dĩ An, chúng tôi bất ngờ khi công tác PCCC không được quan tâm, có DN chỉ trang bị máy bơm, đường ống dẫn nước theo kiểu đối phó. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu chủ DN khởi động máy bơm nước từ hồ chứa để phục vụ chữa cháy, loay hoay hơn 10 phút, máy bơm vẫn không nổ. Trong khi, việc chữa cháy chỉ tính bằng giây.
Đoàn kiểm tra tiếp tục bất ngờ khi các bình chữa cháy dạng bột và khí CO2 đặt ngay tại văn phòng của công ty có bình hết khí, có bình không đủ áp lực để xịt khi cần. Đáng nói, có bình xịt bộ phận chuyên trách không nhớ lần nạp khí cuối cùng là khi nào. Đến khi đoàn kiểm tra yêu cầu đem ra thao tác để kiểm tra thì đáy bình đã bị mục do gỉ sét lâu ngày. Cũng tại KCN này, cho đến thời điểm kiểm tra, DN vẫn chưa tự tổ chức việc kiểm tra hay tổ chức phối hợp diễn tập giữa các lực lượng cho công tác PCCC.
Qua kiểm tra nhiều DN khác mới thấy, chủ cơ sở chỉ làm tốt trên hồ sơ giấy tờ, còn việc thực hành, tổ chức diễn tập ít được quan tâm triển khai. Theo đoàn kiểm tra liên ngành, tính đến ngày 24-7, qua kiểm tra 17 cơ sở, đoàn phát hiện đến 14/17 cơ sở vi phạm. Đoàn đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 14 cơ sở, trong đó có 8 chủ đầu tư KCN và 6 cơ sở hoạt động trong các KCN.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, cho biết lực lượng chữa cháy tại chỗ vẫn mang ý nghĩa cốt lõi trong việc góp phần hạn chế xảy ra các vụ cháy lớn tại DN, cơ sở sản xuất. Qua thực tế các vụ cháy lớn xảy ra, khi nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt thì hầu hết tập trung cho công tác chống cháy lan sang các khu vực khác là chính. Thời gian qua, bên cạnh các DN, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN làm tốt công tác PCCC, thì vẫn còn nhiều trường hợp chưa quan tâm một cách triệt để cho công tác PCCC. Có nơi đầu tư trang thiết bị rất tốt, nhưng lại thiếu lực lượng chuyên trách; có nơi thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng chỉ mang tính chất đối phó. Do đó, những ngày qua, việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm mục đích kiểm tra, nhắc nhở các chủ đầu tư cho thuê đất, cơ sở hạ tầng KCN và các DN sản xuất các mặt hàng, nguyên vật liệu dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao cần nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC khi có sự cố xảy ra.
“Việc thành lập đoàn nhằm mục đích tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC; đồng thời giúp cho các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng thấy được những tồn tại, thiếu sót trong quá trình hoạt động kinh doanh. Qua đó, giúp DN nâng cao ý thức chấp hành nghiêm trong việc thực hiện các quy định về công tác PCCC. Từ đó giúp các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, các DN có thể phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan PCCC để khắc phục các tồn tại liên quan”, thượng tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Qua kiểm tra, nhiều chủ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN chưa thể hiện hết trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong việc tự tổ chức kiểm tra, tổ chức thực tập các phương án phối hợp giữa các lực lượng để xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ. Đối với các DN trong KCN thì việc chủ động trong giải quyết tình huống cháy nổ là vô cùng quan trọng, nếu lực lượng tại chỗ không làm tốt được công tác này thì rất dễ dẫn đến các vụ cháy lớn. Vì thế, bên cạnh việc duy trì công tác kiểm tra định kỳ ở các DN, lực lượng chức năng liên ngành cần có những buổi kiểm tra đột xuất và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong công tác PCCC. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tiếp tục hướng dẫn DN hoàn thiện, khắc phục các thiếu sót trong công tác PCCC ở đơn vị; hỗ trợ DN nhiều hơn trong việc luyện tập các phương án PCCC nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác PCCC, góp phần giúp DN xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ nhằm giảm thiểu các thiệt hại liên quan.
Theo đoàn kiểm tra liên ngành, tính đến ngày 24-7, đoàn kiểm tra được 17 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 14 cơ sở, trong đó có 8 chủ đầu tư KCN và 6 cơ sở hoạt động trong các KCN. Theo kế hoạch đoàn sẽ kiểm tra 30 cơ sở, trong đó có 18 chủ đầu tư KCN và 12 cơ sở sản xuất, hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh. |
MINH DUY