Sáng qua (12-4), ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các ban ngành, đoàn thể liên quan để triển khai công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, có nhiều công tác trọng tâm cho ngành TN&MT trong giai đoạn Bình Dương chuẩn bị trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết hiện nay, phong trào BVMT của tỉnh đã lan rộng khắp các khu công nghiệp và khu dân cư . Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và quá trình đô thị hóa đang được tăng tốc thì việc thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân sẽ giúp cho việc quản lý môi trường theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - đô thị của tỉnh nhà.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: XUÂN THI
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết sở cũng đã xây dựng tổ chức diễn tập các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với sự cố môi trường do cháy nổ, tràn hóa chất với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Chương trình này sẽ được triển khai rộng rãi tại các huyện, thị, thành phố, các khu công nghiệp, khu dân cư… trên địa bàn tỉnh nhằm giúp mọi người luôn chủ động có những phương án ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra.
Để thực hiện hiệu quả công tác BVMT, một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng của tỉnh chính là triển khai Dự án đa dạng sinh học giai đoạn 2016-2020. Dự án này sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; nguồn kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sở này cũng sẽ đảm đương trọng trách xây dựng các mô hình quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhằm nâng cao ý thức cho nông dân trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt. Trong khi đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất công cụ phục vụ kiểm toán nhanh năng lượng và lồng ghép đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, sở còn xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác phòng chống lụt bão và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với các Sở Công thương, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Viện Quy hoạch… cũng sẽ có những đề án, chương trình hành động nhằm góp phần BVMT bền vững, đưa Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với đầy đủ tiêu chí BVMT, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Hướng tới công nghiệp sạch, đô thị xanh
Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TN&MT, nhận định Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, vì thế trách nhiệm BVMT thực sự là một gánh nặng cho địa phương. Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua tỉnh nhà đã luôn chú trọng đến công tác BVMT, bởi mọi sự phát triển kinh tế - xã hội điều phải gắn liền với tiêu chí bền vững, nhất là đối với môi trường.
Chỉ trong năm 2016, UBND tỉnh đã cấp kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 5 dự án ở giai đoạn thực hiện về BVMT. Một số chỉ tiêu tỉnh đang cố gắng hoàn thành là: tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và bảo đảm không để phát sinh trường hợp mới đạt 100%; tỷ lệ dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch và phải có hệ thống xử lý và BVMT đạt 100%; tỷ lệ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn đạt 100%... Hiện công tác BVMT đã trở thành chương trình hành động lớn của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, qua kế hoạch BVMT giai đoạn 2016-2020 của tỉnh cũng cho thấy BVMT là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đầu tư với nguồn kinh phí lớn, lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu công tác BVMT phải đi song hành và theo kịp tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh. Bên cạnh đó, việc ban hành các quy định BVMT phải được xử lý mềm dẻo, uyển chuyển, phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương trong tỉnh. Đối với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần có sự linh hoạt trong các cơ chế chính sách nhằm bảo đảm môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và hoàn thành tốt nhiệm vụ BVMT… để đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp xanh, đô thị sạch trong tương lai.
Trong sáng qua, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã nghe ý kiến của lãnh đạo Sở TN&MT cùng một số ban, ngành liên quan về quy định BVMT mới trong giai đoạn sắp tới. Ông Liêm đề nghị Sở TN&MT và các ngành liên quan cần xây dựng quy định BVMT dựa trên đặc thù của tỉnh nhà, phù hợp với các quy định của pháp luật. Bình Dương phải có cách làm riêng đối với công tác BVMT để bảo đảm sự phát triển bền vững.
PHÙNG HIẾU