Nâng cao tay nghề cho người lao động trước sân chơi TPP

Cập nhật: 21-12-2015 | 08:19:13

Là địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, để tham gia hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Nhiều nỗ lực

Thời gian qua, bình quân mỗi năm nhu cầu tuyển thêm lao động tại Bình Dương là khoảng 50.000 người để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong định hướng phát triển giai đoạn 2015-2020, nguồn nhân lực trình độ cao sẽ được tỉnh nhà ưu tiên, bên cạnh giữ vững lực lượng lao động đang gắn bó với Bình Dương trước sự ra đời của nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam.

Hiện nay, lực lượng lao động ngoài tỉnh làm việc tại Bình Dương đang có xu hướng chuyển dịch về các khu công nghiệp mới mở. Bên cạnh đó, Bình Dương đang chịu áp lực lớn từ ngành giáo dục bởi lực lượng lao động tại địa phương hiện nay lên đến gần 900.000 người. Trên thực tế, bình quân mỗi năm Bình Dương có khoảng 20.000 học sinh bước vào lớp 1, gây sức ép lớn cho ngành giáo dục trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc dạy và học.

Bình Dương đang nỗ lực nâng cao tay nghề cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp gỗ ở TX.Bến Cát. Ảnh: THIÊN LÝ

Nhằm đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2010 đến nay Bình Dương đã xây dựng thêm 147 trường học, nâng tổng số trường học đến nay trên địa bàn tỉnh lên 516 trường. Mặc dù vậy, nguồn lao động phổ thông mà các công ty tuyển dụng trong thời gian qua vẫn phải tìm kiếm từ các tỉnh khác trong cả nước.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bản tỉnh cho biết, tình hình cạnh tranh nguồn nhân lực tại Bình Dương đang diễn ra hết sức gay gắt, đòi hỏi các công ty phải có chế độ lương bổng tốt hơn, phúc lợi xã hội cao hơn mới mong giữ được nguồn nhân công.

Theo ông Chang Chun Kuan, Hiệp hội Thương gia Đài Loan, lực lượng lao động trình độ cao ở Bình Dương rất khó tìm kiếm. Trong khi đó rất ít ứng viên thông thạo 2 ngoại ngữ trở lên. Thực tế này là rào cản cho sự phát triển của Bình Dương trong tương lai.

Phát triển bền vững

Nâng cao nguồn nhân lực, ưu đãi nhân tài đã và đang là vấn đề tỉnh Bình Dương tập trung giải quyết. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp, 46 cơ sở dạy nghề và 50 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Hai trường đại học của tỉnh là Đại học Thủ Dầu Một và Đại học Quốc tế Miền Đông không những đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho tỉnh, mà còn đào tạo cho sinh viên, học viên ngoài tỉnh. Ngân sách đầu tư cho ngành giáo dục của tỉnh được bảo đảm hàng năm tăng bình quân 11,7%. Chỉ riêng năm 2015, tỉnh đã chi cho giáo dục 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính sách “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” vẫn đang được tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm túc. Kết quả cho thấy, 5 năm qua Bình Dương đã thu hút được 267 người có trình độ sau đại học gồm 3 phó giáo sư - tiến sĩ, 27 tiến sĩ và 237 thạc sĩ.

Ông Jurgen Mallon, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức nhận định, nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao tại Bình Dương rất lớn, bởi quy mô sản xuất và đòi hỏi của doanh nghiệp đang ngày càng tăng cao. Trong thời gian tới, Bình Dương nên định hướng trở thành trung tâm đào tạo nhân lực hàng đầu trong cả nước để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cũng như chia sẻ nguồn nhân lực với các tỉnh, thành bạn.

Giáo sư Chui Chee Kong, trường Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh, Bình Dương đang là xưởng gia công lớn của khu vực Đông Nam Á. Nếu không nhanh chóng đào tạo lực lượng lao động trình độ cao, đề cao chất xám thì nguồn vốn đầu tư sẽ tìm đến các nước khác trong khu vực. Theo các chuyên gia, dòng vốn đầu tư nước ngoài của các nước tham gia TPP đang có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam. Trong điều kiện đó, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ còn tăng cao, nhất là lao động trình độ cao.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương đang định hướng phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dần sang dịch vụ - thương mại và công nghệ cao…, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao đang là vấn đề bức thiết. Sắp tới, đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ được tỉnh quan tâm hàng đầu nhằm tạo ra lực lượng lao động giỏi tay nghề để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
TPP

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=763
Quay lên trên