Những năm gần đây, dù công tác bảo vệ trẻ em không bị xâm hại luôn được các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng chú trọng, quan tâm nhưng mỗi năm vẫn xảy ra một vài vụ xâm hại trẻ em. Vì thế, UBND huyện Dầu Tiếng đề ra kế hoạch cụ thể, giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em đến từng gia đình, đoàn thể, phấn đấu bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất có thể.
Các ngành, đoàn thể huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển khả năng, trí tuệ
Cảnh báo xâm hại tình dục
Ngày nay, gia đình và xã hội luôn ý thức, trách nhiệm trong việc nuôi dạy, bảo vệ trẻ em nhưng các vụ xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức. Qua đó, những bậc phụ huynh cần phải xem lại việc bảo vệ, quan tâm, dạy dỗ con cái. Có khi dù rất yêu thương, chăm lo cho con đủ điều nhưng các bậc phụ huynh chưa lường được chuyện con cái “yêu” trước tuổi do bị ảnh hưởng của các trang web đen; chưa nắm bắt được tâm, sinh lý trong giai đoạn phát triển của trẻ, dẫn đến chuyện con trẻ bị xâm hại tình dục. Có khi đã thấy dấu hiệu con cái bị xâm hại nhưng vì nhu nhược, không quyết đoán để bảo vệ con nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Đầu năm nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng xảy ra 2 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Vụ việc vừa xảy ra đầu tháng 3 ở xã Định Hiệp là một điển hình. Trước đó, vào tháng 11-2019, B.H.N. (SN 2004) và H.T.D. (SN 2007), cùng thường trú xã Định Hiệp quen biết nhau qua mạng, nảy sinh tình cảm. Đến tháng 7-2020, B.H.N. và H.T.D. đã quan hệ tình dục tại nhà em D. và sau đó tiếp tục quan hệ nhiều lần. Đến ngày 20-3-2021, sự việc bị người nhà em D. phát hiện và trình báo công an. Vụ việc trên đã được chuyển đến Công an huyện Dầu Tiếng thụ lý và giải quyết. Sau đó, cán bộ các ban ngành, đoàn thể xã đã phối hợp đến gia đình động viên em D. đi học trở lại.
Ngày 23-3, Công an xã Định Hiệp tiếp nhận đơn khởi tố của bà N.N.T. (thường trú tỉnh Cà Mau), hiện ở ấp Định Phước, xã Định Hiệp tố cáo L.C.L. (SN 1981, thường trú huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) về hành vi hiếp dâm con riêng của bà là em L.T.D.M. (SN 2007). Vụ việc đã được Công an xã Định Hiệp xác minh làm rõ. Vào ngày 20-3, đối tượng L.C.L., là cha dượng của M. có hành vi dụ dỗ M. để sàm sỡ, nhưng M. đã từ chối và kể lại sự việc cho mẹ của mình là bà T.. Sau khi bị bà T. hỏi chuyện, đến 17 giờ cùng ngày, L.C.L. dùng dao đe dọa chém vợ và con riêng. Vì sợ, bà T. van xin cho qua chuyện. Sau đó, đối tượng L.C.L., cầm dao chửi bới, đe dọa và bắt M. đứng cạnh cửa sổ từ 22 giờ đến 3 sáng ngày 23-3 rồi dùng tay tát vào mặt bé M.
Đến 4 giờ cùng ngày, L. dùng xe máy chở bé M. đến nơi bé M. làm để xin nghỉ. Sau đó, hắn chở bé M. tới lô cao su 14B của Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến (ấp Định Phước, xã Định Hiệp) để thực hiện quan hệ tình dục trái ý muốn với M. Sau khi quan hệ tình dục xong, L. chở M. về nhà và cấm không được nói sự việc trên cho ai nghe. Nhưng sau đó, M. kể lại sự việc trên cho bà T. và bà đã đến Công an xã Định Hiệp để trình báo sự việc trên. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Dầu Tiếng thụ lý theo pháp luật.
Nâng cao trách nhiệm
Qua 2 vụ việc trên cho thấy, hơn ai hết, gia đình cần phải ý thức được trách nhiệm giáo dục và bảo vệ con trẻ. Để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, hàng năm, UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Trong đó, Công an huyện thường xuyên nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên. Các ngành, đoàn thể trong huyện như Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp giáo dục về đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ mặc trẻ em. Các đơn vị trang bị cho gia đình kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; trách nhiệm phát hiện, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường hệ thống thông tin cơ sở về công tác bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em ở xã, thị trấn; phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và tham mưu xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.
Chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội cũng đã tập huấn, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em; tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ em, xây dựng các chương trình sản phẩm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về giáo dục bảo vệ trẻ em.
“Mục tiêu kế hoạch hàng năm của huyện là phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau. 100% học sinh được hướng dẫn giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp từng lứa tuổi. Duy trì 100% nhân viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em. Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức năng lực đạo đức, nghề nghiệp và trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục”. (Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng) |
QUANG TÁM