Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân

Cập nhật: 20-04-2022 | 09:49:44

(BDO) Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP) đã hỗ trợ để Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Dương, TP.Dĩ An thực hiện các chương trình, việc làm nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. 

Dự án đã thực hiện 80% phần việc

Dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là dự án) do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức điều hành. Kinh phí dự án hơn 2,9 tỷ đồng. Ngày bắt đầu dự án là 22-12- 2020, ngày kết thúc dự án dự kiến vào 22-10-2022. 


Bà Trương Thanh Nga phát biểu tại hội nghị sơ kết dự án

Tính đến nay, theo đánh giá, dự án đã thực hiện được khoảng 80% phần việc. Kết quả đạt được đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, làm cho môi trường sống ngày càng xanh, sạch, hiện đại hơn. 

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án, các mục tiêu đề ra đã đạt được rất khả quan. Đó là việc tăng cường xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại TP.Dĩ An; hướng tới đạt được lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ dân được thu gom hoàn toàn, trong đó rác thải sinh hoạt được phân loại ngay tại nguồn; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong cộng đồng và xã hội.

Dự án cũng giúp nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa cho cộng đồng trên địa bàn 3 phường Đông Hòa, Tân Bình và Dĩ An, TP.Dĩ An. Đến nay, các địa phương đã thực hiện thành công các mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình biến bãi rác tự phát thành vườn hoa, mô hình tuần hoàn trường học, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân thu gom chất thải trên địa bàn 3 phường Đông Hòa, Tân Bình và Dĩ An về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về môi trường.

Hội LHPN tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách về quản lý tổng hợp rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đạt kết quả tốt

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác với Văn phòng UNDP, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu ban hành quyết định thành lập Ban điều hành dự án gồm 16 thành viên; xây dựng điều khoản giao việc và thỏa thuận dịch vụ cá nhân với 7 chuyên gia và 11 cán bộ hiện trường. 


Bà Trương Thanh Nga
 (giữa) cùng các thành viên thực hiện dự án

Lễ khởi động dự án được tổ chức vào ngày 23-4-2021. Trong khuôn khổ các nội dung, kế hoạch đề ra,  năm 2021 dự án đã thực hiện được một số nội dung như: Tổ chức 1 chương trình công bố quyết định thành lập nhóm công tác về rác thải cấp thành phố gồm 25 thành viên do Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An làm trưởng nhóm và phân công nhiệm vụ của các thành viên. Thành lập 2 nhóm zalo của Ban điều hành dự án và nhóm các chuyên gia, cán bộ hiện trường dự án để thuận lợi trong việc trao đổi thông tin, báo cáo. Lập trang Fanpage với 269 lượt thích/theo dõi về các hoạt động dự án. Tổ chức 2 cuộc họp ban đầu với chính quyền địa phương 2 phường để lựa chọn, chỉ định thành viên tham gia tổ cộng đồng quản lý rác thải. Ban hành quyết định thành lập tổ tại 2 phường và tổ chức phân công nhiệm vụ, triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông...

Ban điều hành dự án đã tổ chức 10 khóa tập huấn với 428 người tham dự. Cấp thành phố tổ chức 1 lớp đào tạo TOT cho thành viên nhóm công tác về rác thải nhựa và 2 lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Cấp cơ sở tổ chức 7 lớp tập huấn đào tạo tại địa phương cho 50 thành viên Tổ cộng đồng quản lý rác thải cấp xã, nghiệp vụ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cho 138 hộ dân tại phường Tân Bình và 151 lượt chị làm nghề thu gom phế liệu.

Ban điều hành dự án cũng tổ chức 1 chuyến đi thực tế tham quan mô hình tại Khu xử lý chất thải rắn tập trung ở Nam Bình Dương cho 50 thành viên Tổ cộng đồng quản lý rác thải và 59 chị làm nghề thu gom phế liệu để chia sẻ kinh nghiệm giữa các phường về “vòng đời” (con đường đi của rác thải), phân loại rác thải tại nguồn, thành phần và hướng xử lý rác thải, hướng tiếp cận đến không rác thải công nghiệp, thương mại, dịch vụ (giảm thiểu, tái sử dụng, phân compost, tái chế, từ chối), các thực hành kiến thức như mô hình phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost, không rác thải nhựa và đồ nhựa dùng 1 lần... 

Những người thực hiện đã thiết kế 2.000 tờ rơi và 28 pa nô về thực hiện phân loại rác tại nguồn, 1.000 tờ rơi và 5 pa nô về mô hình kinh tế tuần hoàn tại trường học; tổ chức cuộc thi “Chống rác thải nhựa”, 2 cuộc hội thảo “rác, nguồn tài nguyên vô tận” tại 2 phường thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tổ chức phát động vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, rác thải nhựa trên địa bàn 3 phường của dự án.

 Một kết quả đáng ghi nhận nữa là dự án đã tập hợp lực lượng danh sách thu mua phế liệu trên địa bàn 3 phường Đông Hòa, Tân Bình và Dĩ An từ những cơ sở thu gom phế liệu; ban hành quyết định thành lập tổ thu gom phế liệu gồm 59 thành viên kèm quy chế hoạt động của tổ. Trong thời điểm Bình Dương bùng phát dịch Covid-19, Ban điều hành dự án đã tham mưu đề xuất văn phòng UNDP hỗ trợ mua các thiết bị bảo hộ lao động tặng các chị với trị giá gần 30 triệu đồng...

Hội LHPN tỉnh là cơ quan chủ trì dự án đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên - Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND TP.Dĩ An, Quỹ Bảo vệ môi trường và Phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Dĩ An triển khai các nội dung, hoạt động của dự án. Các bên đã chủ động phối hợp tham gia hoàn thành nhiệm vụ đã phân công. 

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các hoạt động có nhận được phản hồi tích cực từ dự án, người dân tham gia nhiệt tình. “Qua các buổi tập huấn, họp kết nối, sinh hoạt định kỳ, các chị làm nghề thu gom chất thải nhận thức được công việc mình đang làm góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình, góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, việc tham gia tổ, nhóm thu gom chất thải cũng giúp họ thấy vui, phấn khởi vì trong thành phần tham gia hầu hết làm cùng ngành nghề, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thu gom phế liệu để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Họ được nhận phúc lợi từ dự án như hoạt động trao tặng đồ bảo hộ lao động, tham quan, tham gia lớp tập huấn...”, bà Trương Thanh Nga cho biết. 

Theo bà Trương Thanh Nga, dự án bắt đầu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra phức tạp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là các chị thu gom phế liệu hiện đang tham gia mô hình của dự án. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn cũng bị tạm ngưng. Số lượng thành viên tham gia bắt buộc phải giảm xuống so với kế hoạch dự kiến để bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho học viên khi tổ chức. Trong thời gian còn lại của dự án, các phần việc chưa thực hiện sẽ được nhanh chóng triển khai để kịp tiến độ.

Quỳnh Như

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=565
Quay lên trên