Bài cuối: Cần xử lý nghiêm các cơ sở thẩm mỹ sai phạm
(BDO) Trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra về các cơ sở làm đẹp, chúng tôi đã tiếp cận nhiều cơ sở và nhận ra rằng có nơi tuân thủ đúng quy định, chức năng được cấp phép. Trong khi đó, nhiều cơ sở vì hám lợi nên quảng cáo, tư vấn sai sự thật để lôi kéo khách hàng…
“Lỡ” làm hỏng thì… đóng cửa
Chiêu thường gặp nhất là giảm giá, ưu đãi để thu hút khách nhưng thực tế khi đến tư vấn, khách phải bỏ ra số tiền khá lớn để mua những gói liệu trình làm đẹp… vừa đau đớn vừa tốn kém.
Một số nạn nhân của cơ sở thẩm mỹ trình bày sự việc với P.V và mong muốn cơ quan chức năng xử lý
Trong những ngày tháng 5, cơ sở thẩm mỹ có tên M.S. ở TP.Thủ Dầu Một lại liên tục “dính phốt” trên mạng xã hội.
Hàng loạt nạn nhân tạo nhóm, lên mạng xã hội bày tỏ bức xúc vì phải bỏ ra số tiền quá lớn để làm đẹp nhưng hiệu quả đem lại không như cam kết.
Theo các nạn nhân thì cơ sở này có cách thức hoạt động rất tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Họ còn bố trí cho nhân viên liên tục chèo kéo, thay phiên nhau thuyết phục khách hàng “nâng cấp” những gói đã mua lên liệu trình cao cấp hơn, chi phí đắt hơn.
Khách không đủ tiền thì thẩm mỹ viện giữ lại vàng hoặc theo về nhà để thu tiền.
Đáng chú ý, sau các vụ “bác sĩ dỏm” gây ra những sự cố phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, gây biến chứng từ những ca tiểu phẫu, khách hàng bức xúc làm lớn chuyện thì nhiều cơ sở đã đóng cửa, thuê mặt bằng mới, đổi tên để tiếp tục kinh doanh theo phương thức cũ nhằm đối phó với khách hàng cũ và cơ quan chức năng theo hình thức “bình mới rượu cũ” để tiếp tục chiêu trò dụ dỗ các khách hàng nhẹ dạ cả tin.
Sau ca tiểu phẫu hỏng khiến chị Nguyễn Thị T. mất máu liên tục nhiều giờ, phải nhập viện cấp cứu để giữ mạng sống, cơ sở làm đẹp có tên V. tại TP.Thủ Dầu Một đã đóng cửa im ỉm. Khi P.V đến đây thì được biết họ đã dọn đồ chuyển đến nơi mới, mở cơ sở mới.
Một số khách hàng “lỡ” đóng tiền cho các gói liệu trình làm đẹp nhiều buổi cũng đến đây tìm cách liên lạc với các cơ sở trong hệ thống V. ở trong và ngoài tỉnh nhưng bất thành.
"Sập bẫy" thẩm mỹ viện
Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm
Hiện toàn tỉnh có 53 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân tại các cơ sở thẩm mỹ, cung cấp dịch vụ làm đẹp.
Kết quả, sở đã xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ do vi phạm các lỗi, như: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hành vi sử dụng thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (chiếu tia) làm thay đổi màu sắc da tại cơ sở không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ; lưu giữ, buôn bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Tổng số tiền phạt hơn 142 triệu đồng.
Khi được P.V phản ánh về một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động trái phép, chức năng hoạt động vượt quá thẩm quyền được cấp phép, quảng cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng...
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm: “Sở Y tế đã ban hành văn bản phân cấp việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về hành nghề y, dược tư nhân tại các phòng y tế. Đối với các cơ sở hoạt động trái phép, chức năng hoạt động vượt quá thẩm quyền được cấp phép, quảng cáo sai sự thật… thì tùy theo hành vi vi phạm được phát hiện mà UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã hoặc Sở Thông tin và Truyền thông... sẽ căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao để tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền”.
► Bác sĩ CK 2 Phạm Văn Long, Bệnh viện Đa khoa Medic: “Làm đẹp không đúng nơi, không đúng chỗ có thể dẫn đến những hệ lụy nặng nề…” Theo bác sĩ Phạm Văn Long, thỉnh thoảng tại Bệnh viện Medic Bình Dương cũng tiếp nhận những ca bệnh thăm khám về những biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Thường thấy nhất là các ca nhiễm trùng, viêm nhiễm vết thương do nâng ngực, hút mỡ bụng, tiêm chất làm đầy môi, cằm… Các bệnh nhân được khám và xử lý các vết thương nhiễm trùng cho thuốc và thay băng mỗi ngày. Các ca nặng thì nhập viện theo dõi phẫu thuật cắt lọc lại. Cũng theo bác sĩ Long, bản thân là một bác sĩ được đào tạo trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, tuy nhiên ông không đồng ý hợp tác với các cơ sở thẩm mỹ viện để điều trị, phẫu thuật cho khách hàng như lời mời gọi. “Tôi chỉ tham gia những ca phẫu thuật để điều chỉnh khiếm khuyết cho bệnh nhân khi họ chẳng may gặp tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động hoặc gặp khiếm khuyết trên cơ thể. Với những trường hợp khách hàng đi làm đẹp để “nâng cấp” bản thân, tôi khuyến cáo khách hàng nên đến những cơ sở y tế uy tín, có giấy phép hoạt động đúng chức năng, làm việc với bác sĩ giàu kinh nghiệm, đúng chuyên môn, tránh đến các cơ sở “chui”, hoạt động trái phép gây cảnh “tiền mất tật mang”, bác sĩ Long cho biết thêm. ► Luật sư Nguyễn Phước Long, Giám đốc Công ty luật Chánh Nghĩa - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương: Theo quy định tại điều 40 Nghị định số 117/2020/ NĐ-CP, nếu các cơ sở hành nghề mà không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi thực hiện các hành vi nói trên. Ngoài ra, các cơ sở này còn có thể bị xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 điều này. |
NHÓM P.V