Bài 1: Dịch vụ làm đẹp nhưng luôn cảnh giác với khách!
(BDO) Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của nhiều người nhằm đem đến sự tự tin cho bản thân. Nắm bắt nhu cầu này, thời gian qua, tại Bình Dương, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nở rộ, trong đó có không ít cơ sở không đủ điều kiện hành nghề. Một số cơ sở công khai quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội những chức năng không được cấp phép…
Cơ sở làm đẹp nhan nhản!
Để biết được những thủ thuật cũng như cách dẫn dụ khách hàng của các cơ sở làm đẹp, P.V Báo Bình Dương đã vào vai một người muốn “nâng cấp giao diện” để tự tin hơn.
Trong thời gian đó, P.V đã tiếp cận hàng chục cơ sở spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng…
Một nạn nhân sau khi làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ V. mất nhiều máu được người nhà đến đưa đi cấp cứu
Theo ghi nhận của P.V, trên tuyến đường Nguyễn An Ninh, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt (TP.Dĩ An); Cách Mạng Tháng Tám, 30-4, đại lộ Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một); Nguyễn Du, Nguyễn Văn Tiết, Cách Mạng Tháng Tám, ĐT743 (TP. Thuận An); ĐT746, ĐT747 (TP.Tân Uyên)… liên tiếp là những cơ sở làm đẹp lớn nhỏ.
Có những đoạn đường ngắn khoảng 500m nhưng có từ 3 đến 5 cơ sở làm đẹp. Cơ sở này giáp nhau hoặc đối diện cơ sở kia. Nơi thì nhà cao tầng hoành tráng, nơi thì đơn giản chỉ là một căn ki-ốt ở vị trí mặt tiền được cải tạo lại thành điểm chăm sóc sắc đẹp.
Những cơ sở này quảng cáo có đủ loại dịch vụ từ chăm sóc da đến xăm môi, thêu mày, tiêm chất làm đầy (filler), tiêm meso vi điểm (dùng kim nhỏ đưa hoạt chất vào sâu lớp biểu bì, trung bì da), xóa nếp nhăn, bắn laser tàn nhang, giảm béo công nghệ mới, hút mỡ, nâng ngực, làm đẹp vùng kín, tạo hình vùng bụng, nâng cấp mông…
Ngoài quảng cáo trực tiếp bằng các tờ rơi, hầu hết các cơ sở làm đẹp đều “chạy quảng cáo” rầm rộ trên mạng xã hội để thu hút khách hàng.
Trước “ma trận” các cơ sở làm đẹp, câu hỏi đặt ra là không biết có bao nhiêu cơ sở được cấp phép hoạt động, bao nhiêu cơ sở đang hoạt động “chui”?
"Sập bẫy" thẩm mỹ viện
“Loạn” dịch vụ, “loạn” giá cả
Một ngày cuối tháng 4-2023, P.V ghé vào Thẩm mỹ viện D.V. trên đường Nguyễn An Ninh (TP.Dĩ An) để trải nghiệm một số dịch vụ tại đây.
Nhân viên nữ nhẹ nhàng tư vấn các gói dịch vụ cắt mắt, hút mỡ, nâng mũi, nâng ngực, làm đẹp nhũ hoa, thu nhỏ vùng kín… Theo nhân viên, một số dịch vụ tiểu phẫu đơn giản có thể làm trực tiếp tại cơ sở này. Khi chúng tôi tỏ vẻ e dè vì sợ xâm lấn vào cơ thể gây đau thì nhân viên tại đây cho biết mỗi ca tiểu phẫu đều tiêm thuốc tê hoặc gây mê nên không đau.
Sau khi tiểu phẫu có thể về liền, không cần nghỉ dưỡng. Với những ca thẩm mỹ phức tạp hơn như hút mỡ bụng, làm ngực thì nhân viên sẽ đưa khách đến cơ sở chính tại đường Thích Quảng Đức, TP.Thủ Dầu Một.
Tiếp đó P.V tiếp cận một cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn An Ninh (TP.Dĩ An) để tư vấn liệu trình tiêm meso.
Sau khi soi da, thấy tôi quan tâm đến nguồn gốc loại chất HA sẽ tiêm vào da mặt, cô chủ cơ sở này lườm mắt “Các chị không phải là khách hàng mà là nhân viên y tế đúng không?”.
Thấy P.V đưa ra hình ảnh một số điểm làm đẹp có dịch vụ tiêm meso với mức giá “mềm” hơn để mặc cả, cô chủ spa gắt gỏng: “Giá cả mỗi nơi khác nhau. Nơi nào rẻ hơn thì chỉ có tiêm thuốc Trung Quốc vào người. Thuốc bên em là hàng có nguồn gốc rõ ràng. Chị vào đây em tiêm luôn cho chị ngay bây giờ!”.
Cũng về dịch vụ tiêm meso nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. Tại cơ sở làm đẹp có tên P. trên đường 30-4 (TP.Thủ Dầu Một), giá được niêm yết bên ngoài bảng hiệu lại rẻ đến bất ngờ. Theo đó, giá tiêm filler chỉ 999.000 đồng; dịch vụ meso đồng giá 699.000 đồng (trong khi ở các cơ sở làm đẹp khác đều có giá dao động từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng/lần, mỗi liệu trình khoảng 3 lần).
Một ngày đầu tháng 5, trong vai khách hàng, chúng tôi đến thẩm mỹ viện có tên M.S. trên đường 30-4, phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), một cơ sở làm đẹp bị nhiều khách hàng “bốc phốt” trên mạng xã hội những ngày gần đây.
Vừa vào tư vấn, nhân viên cơ sở này đã nhanh chóng tách chúng tôi ra các phòng khác nhau. Tôi đưa tấm hình quảng cáo trên Facebook về dịch vụ nâng ngực, cấy tóc và ngỏ ý muốn được tư vấn thêm. Một nhân viên nữ sờ nắn vào vòng một của tôi và giới thiệu về các gói liệu trình nâng ngực.
Theo đó, tùy theo mô ngực và mong muốn của khách về kích thước cần tăng mà có các gói liệu trình và mức giá khác nhau. Cơ sở cam kết chỉ dùng máy chiếu tia, không gây đau đớn. Giá một buổi đi chiếu tia gói căn bản là 5.833.000 đồng (giá gốc là 12 triệu đồng/buổi). Khách phải đi 5 buổi mới đủ liệu trình.
Riêng dịch vụ kích thích mọc tóc, mặc dù cam kết không xâm lấn nhưng trong quá trình tư vấn, nhân viên tại đây cũng sơ hở thừa nhận việc có dùng kim để tiêm tinh chất vào da đầu cho khách!
“Dùng kim để tiêm tinh chất vào da đầu cho khách”, đó cũng là bức xúc của hàng loạt khách hàng khi liên tục “bốc phốt” cơ sở này trên các nhóm kín, diễn đàn làm đẹp, mạng xã hội.
Nhiều người bức xúc cho rằng vì nhân viên cơ sở thẩm mỹ này sử dụng “chiêu trò” tư vấn khách mua gói liệu trình A nhưng đến khi khách đã đóng tiền thì nhân viên lại thay nhau thuyết phục, chèo kéo khách hàng đóng thêm tiền để “nâng cấp” lên các gói dịch vụ B, C cao cấp hơn.
Mặc dù cam kết không xâm lấn, không sử dụng thuốc và các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người nhưng khi thực hiện liệu trình thì dùng kim hút máu tự thân, tiêm tinh chất không rõ nguồn gốc gây đau đớn cho khách hàng, hiệu quả làm đẹp không tới đâu.
Chưa kể, để đối phó chuyện khách hàng khiếu nại, quá trình thực hiện tư vấn, điều trị, nhân viên tại cơ sở này không cho khách hàng sử dụng điện thoại ghi hình, kể cả chụp hình check in...
Tại thời điểm chúng tôi có mặt tại cơ sở M.K., một người phụ nữ trung niên cũng đang ngồi chờ cắt chỉ sau ca tiểu phẫu cắt bọng mắt trước đó vài ngày.
Cũng thời điểm này, một người khách nam khác theo nhân viên bước lên lầu để thực hiện liệu trình về tóc.
Thấy cơ sở này có vẻ cảnh giác cao với khách lạ, chúng tôi viện lý do phải về gấp. Khi chúng tôi ra đến xe, một nhân viên nữ chạy theo đòi phải kiểm tra điện thoại vì cho rằng chúng tôi vừa ghi hình cơ sở này. Cô nhân viên giằng lấy điện thoại, kiểm tra bộ sưu tập hình trong máy nhưng không thấy gì.
Tiếp đó cô đã nhanh chóng vào bộ nhớ ẩn của điện thoại kiểm tra, vẫn không thấy gì. Cô ta cũng lục lọi dữ liệu đã xóa của tôi để xóa hình ảnh. Thấy không còn gì trong máy, cô nhân viên trên mới để yên cho chúng tôi rời đi.
Mặc dù khá bất ngờ về thái độ cảnh giác của nhóm nhân viên nữ tại Thẩm mỹ viện M.K. nhưng sau khi cô nhân viên rời đi, chỉ vài giây sau đó, P.V đã phục hồi toàn bộ dữ liệu đã bị xóa trong các ứng dụng, bộ nhớ.
Liên quan đến cơ sở thẩm mỹ có tên M.S. này, vẫn còn nhiều điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn nữa. (Còn tiếp)
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Theo ghi nhận của P.V, tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên… có cung đường chỉ khoảng 1km đã có từ 3 đến 8 cơ sở làm đẹp. Đ a số người dân vẫn chưa biết, chưa thể phân biệt được đâu là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được cấp phép, đâu là cơ sở làm đẹp đang “ăn gian” thêm chức năng “thẩm mỹ” để trục lợi, bất chấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khách hàng. |
NHÓM P.V