Trong giai đoạn 2021- 2025, xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bình Dương tiếp tục đi vào chiều sâu, lấy việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn làm mục tiêu xuyên suốt. Các chỉ tiêu, tiêu chí của giai đoạn mới đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, chủ động, tích cực triển khai để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn này.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Đường vào trung tâm xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên được nhựa hóa, thuận tiện giao thương, đi lại của người dân
Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu yêu cầu cao
Mục tiêu đề ra, đến năm 2025 có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Trao đổi về định hướng xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại Bình Dương trong giai đoạn mới, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bình Dương sẽ xây dựng Bộ Tiêu chí mới trên cơ sở bộ tiêu chí chung NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Trong đó, các tiêu chí về môi trường, thu nhập bình quân đầu người, làng thông minh… sẽ được tỉnh đặt ra với yêu cầu cao trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2949 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên giai đoạn 2020-2025.
Xây dựng “Làng thông minh”, tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: Công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Từ việc thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận “Làng thông minh” cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã NTM thông minh trong thời gian tới, nhằm bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh là thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và văn hóa.
Chủ động triển khai
Các chỉ tiêu, tiêu chí NTM của giai đoạn mới đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, từ tỉnh đến các địa phương của tỉnh chủ động, tích cực triển khai để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu. Để về đích đúng kế hoạch đề ra, các địa phương đều phải đặt ra mục tiêu rất cao và chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch từng năm và cả giai đoạn.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết với yêu cầu đặt ra trong thực hiện các tiêu chí NTM ngày càng cao, các địa phương cần lưu ý, quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM của Bình Dương tiếp tục đi vào chiều sâu, tỉnh đã đề ra các giải pháp thực hiện trọng tâm. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021- 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Các sở, ngành đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ của chương trình xây dựng NTM. Nội dung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thông minh phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan liên quan.
Mặt khác, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Trong đó, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp và vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể, do HĐND xã thông qua. Chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC