Em ào qua lúc nhà tôi còn chưa mở cổng, nói làm ơn hướng dẫn cách làm đơn ly hôn vì “chịu hết xiết” người chồng vũ phu. Chuyện gì mà to tát vậy trời? Cả xóm này ai chẳng thấy vợ chồng em là mẫu gia đình trẻ hạnh phúc? Nhìn kìa, đã có hai con nhưng da mặt em vẫn căng mịn, dáng em vẫn tròn đầy... Sao nói chồng vũ phu? Em ngần ngừ xoa hai tay vào nhau rồi mặt đỏ hồng lên lấp lửng nói, vì... vì... đi làm thì thôi, về là... anh ấy “đòi yêu” bất cứ lúc nào. Em không đồng ý thì bị chì chiết, chửi bới. Toàn nói lời khó nghe không à, nào là bộ có “bồ” hay sao mà từ chối chồng? Nào là vợ chồng hai mặt con rồi sao cứ làm eo làm sách? Mà em có làm eo gì đâu chị, việc nhà bù đầu bù cổ, hai đứa con đứa tiểu học, đứa mẫu giáo, chuyện đưa rước, cơm nước cũng mệt đứt hơi.
Nhà cạnh nhau, tôi biết chồng em làm nghề tài xế xe tải. L. - tên chồng em - hiền nhưng cộc tính. Tiếng một ra lệnh, tiếng hai là vợ phải thực hành xong, không có chuyện dùng dằng suy nghĩ. Là tài xế nhưng chuyện bồ bịch, tình tay ba tay tư rất xa lạ với L. Sáu năm sống bên L., em không phải tay lấm chân bùn như bao người khác, chỉ ở nhà nuôi con và chăm sóc nhà cửa. Mỗi ngày cần xài bao nhiêu cứ ghi ra, chồng sẽ chi đầy đủ, kể cả tiền mua miếng đắp mặt nạ, bộ sơn móng chân. Kiểu “tiền phát gạo đong” này với phụ nữ trẻ xem ra tù túng, nhưng người già ai cũng khen em “có phước dễ sợ” vì không phải thân cò lặn lội. Em thở dài, cái kiểu có phước như vậy quả thật đúng là “dễ sợ”.
Chồng em đi xe theo “tua”, cứ lái xe một ngày một đêm thì về nghỉ bằng thời gian như vậy. Khoảng lặng của hai mươi bốn giờ đồng hồ đó với em hồi mới cưới nhau thật là dài đằng đẵng, nhưng một đứa trẻ ra đời cũng bớt quạnh hiu, rồi hai đứa trẻ ra đời là thời gian ngắn đi một nửa. Vậy rồi, nửa năm nay không biết chồng học đâu cái kiểu yêu thương lạ đời ấy. Cứ đi thì thôi, về nhà là “đòi yêu”, dù lúc đó em đang nấu ăn, nhà cửa đang bề bộn, con cái còn lem luốc... Anh luôn bảo rằng “nhớ em chết đi được”. Em mà cự nự hả? Thế là quát tháo, là “cúp lương”. Em sợ quá chị à, chồng em thì em tin, anh ấy không phải là người ưa lăng nhăng, nhưng nghiệp tài xế ai không bồ bịch. Anh ấy lại bảo em “ở nhà ăn no mập thây suy nghĩ tầm bậy” rồi mất lòng tin vào chồng.
Sao em không tìm việc gì đó mà làm? Có chứ! Em có bằng trung cấp kế toán, nhưng chồng em bảo đi làm phải gửi con, trăm thứ trăm tốn, mà báo chí hàng ngày nhan nhản chuyện gửi trẻ đầy bất an, không khéo “tính già ra non”. Mấy lần vậy rồi nên em “nhụt chí” luôn. Bây giờ em thấy cuộc sống nặng nề quá. Hay là thôi nhau đi, mỗi người một đứa con, mạnh ai nấy đi làm, chủ động cho cuộc sống của mình. Như vậy chắc nhẹ nhàng hơn hả chị?
Tôi bảo em, chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó, đã biết cuộc sống là quá nặng nề thì chia tay nhau chưa chắc sẽ nhẹ nhàng hơn. Những va vấp chông chênh của kẻ “một lần đò”; những đêm dài không còn gì để chờ mong; những nặng nề của áo cơm và dạy dỗ con cái... nó sẽ còn nặng gấp trăm lần những cái nặng bây giờ em đang gánh. Em cúi đầu: “Có cách nào làm cho cuộc sống thật nhẹ nhàng không chị?”.
Là phụ nữ thì cuộc sống chẳng bao giờ nhẹ nhàng, nhưng nhẹ hay nặng là do mình biết “gánh”.
Theo PNO