Nắng nóng và nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Cập nhật: 13-04-2013 | 00:00:00

Nguy cơ không trừ ai!

Thời điểm tháng 4, 5 là lúc thời tiết các tỉnh Nam bộ đặc biệt khó chịu. Nắng nóng dữ dội khiến nhu cầu sử dụng nước đá, nước giải khát, rau, củ quả… tăng mạnh, nguy cơ NĐTP cũng ở mức cao. Theo các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì NĐTP mùa hè thường do thức ăn nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng). Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển. Thêm vào đó, những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người sử dụng hầu như đều thiếu kiến thức về bảo đảm VSATTP. Thức ăn phần lớn không rõ nguồn gốc; nhiều quán xá nằm ở vỉa hè, nếu bụi, nấm mốc và khí thải như xăng dầu nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.    Thức ăn đường phố là nguồn thực phẩm đáng lo ngại nhất về nguy cơ ngộ độc

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 13.591 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, thức ăn đường phố chiếm tới 8.582 điểm; cửa hàng dịch vụ ăn uống khác chiếm 2.889 cơ sở; BATT là 666 cơ sở… Thực tế, NĐTP luôn xảy ra tại các BATT. Trong thời gian 2007-2011 có 27 vụ NĐTP, với 1.697 ca mắc, không có ca tử vong, trong năm 2012 xảy ra 4 vụ NĐTP với 142 người mắc trong đó có vụ NĐTP do rượu làm tử vong 2 người. Bên cạnh đó, không thể không kể tới những vụ kinh doanh, sử dụng nội tạng động vật thối… tại “điểm nóng” trên địa bàn TX.Dĩ An và Thuận An trong năm vừa qua. Qua công tác thanh, kiểm tra ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh cho thấy hầu hết số vụ NĐTP do ô nhiễm vi sinh, liên quan đến các BATT có hợp đồng cung cấp suất ăn từ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, thời gian từ lúc chế biến xong thức ăn đến thời điểm ăn hơn 4 giờ mà thức ăn không được hâm nóng lại; điều kiện cơ sở vật chất khu vực chế biến thực phẩm tại bếp ăn không bảo đảm ATTP, nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Như vậy, các yếu tố thời tiết, hiểu biết hạn chế về ATVSTP cộng với đạo đức kinh doanh kém là nguyên nhân khiến nguy cơ NĐTP có thể xảy ra với bất cứ người nào và bất cứ đâu!

Cần nâng cao ý thức tiêu dùng

Thời điểm từ 15-4 đến 15-5 là Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP trên cả nước. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Chi cục phó Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, với đặc thù tỉnh Bình Dương tập trung đông người lao động, số lượng bếp ăn công nghiệp cũng như số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp suất ăn công nghiệp nhiều, vì vậy công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP phải được triển khai từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường, thị trấn.    Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm về thời tiết. Nguồn nước và thực phẩm kém vệ sinh ở hàng quán có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, ngộ độc

Theo bà Lê Thị Kim Loan, Phó phòng Truyền thông và Quản lý ngộ độc (Sở Y tế) cho biết: “Một thực tế đáng lo hiện nay là nguồn thực phẩm đem vào chế biến suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp nhỏ, lẻ khó có thể kiểm soát. Để ngăn ngừa thực phẩm bẩn len lỏi vào các bếp ăn công nghiệp, thực hiện chỉ đạo của BCĐ ATVSTP tháng hành động kiểm tra liên ngành, giám sát ô nhiễm thực phẩm tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh”. Cụ thể, huy động lực lượng Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyến tỉnh và tuyến huyện, tập trung kiểm tra về điều kiện ATTP, nguồn gốc xuất xứ, quy định về ghi nhãn thực phẩm và xét nghiệm  nhanh một số thực phẩm thông dụng. Truyền thông cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Mô hình chợ thí điểm”

“Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Dương, Chi cục ATVSTP sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan xây dựng dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP. Các chủ thể trong mô hình thí điểm gồm: Thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ và cán bộ quản lý chợ. Phạm vi thực hiện dự án gồm: Các nhóm hàng như thực phẩm, nông sản chủ yếu (tươi sống và đã qua chế biến), bao gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả... Những tiêu chí chủ yếu của mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP gồm: Tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ, về người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ, về cơ sở vật chất, kỹ thuật...

(Bác sĩ Lê Thị Kim Loan, Phó phòng Truyền thông và Quản lý ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế).

Tuy nhiên, theo bà Loan, nhân lực thanh kiểm tra quá mỏng nên để hoàn thành nhiệm  vụ số nhân lực hiện có phải nỗ lực kể cả phải làm ngoài giờ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quản lý các cơ sở kinh doanh ăn uống chia theo tuyến xã (phường), huyện (thị xã), nhưng địa phương vẫn chưa có cán bộ chuyên trách nên còn thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ và thiết bị để ngăn ngừa tình trạng không bảo đảm VSATTP.

Có thể nhận thấy rằng, để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30 quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện một số điều kiện về VSATTP như: Người bán hàng phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, phải có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thức ăn, phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… Nhưng dường như thông tư này chưa được thực thi triệt để. Do vậy, biện pháp tích cực nhất vẫn là tuyên truyền. “Nên lựa chọn và mua thực phẩm ở nơi càng gần nhà càng tốt. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình. Bảo đảm các dụng cụ nhà bếp phải thật sạch. Các thực phẩm để dành, không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ. Lựa chọn những cơ sở kinh doanh ăn uống sạch sẽ, thoáng mát, được trang bị đầy đủ…”, bà Loan tư vấn thêm.

 THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên