"Nền kinh tế phi tiền mặt đang đến gần, dù ta muốn hay không"

Cập nhật: 07-11-2017 | 15:01:16

Nền kinh tế phi tiền mặt đang đến gần, dù ta có muốn hay không. Không tiền mặt sẽ giúp nền kinh tế minh bạch và hiệu quả hơn, người dân cũng được hưởng những dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi và an toàn hơn, tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch tập đoàn Alibaba nhận định tại Diễn đàn thanh toán điện tử 2017 sáng 6/11 tại Hà Nội.

Tỷ phú Jack Ma: "Nền kinh tế phi tiền mặt đang đến gần, dù ta muốn hay không"

Cần môi trường hỗ trợ chính sách từ cơ quan quản lý

Chia sẻ tại diễn đàn, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba cho rằng tại Việt Nam, vẫn tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới tính bảo mật bởi tỷ lệ dùng tiền mặt còn quá lớn. Thay vì dùng tiền mặt, nếu dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học thì sẽ an toàn hơn nhiều, dễ dàng truy tìm hành vi lừa đảo bởi mọi thông tin về giao dịch đều được lưu trữ.
 
Jack Ma nảy ra ý tưởng thành lập dịch vụ thanh toán Alipay vào năm 2014, khi ông tới Thuỵ Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos nhằm tìm giải pháp cho điểm cốt lõi còn thiếu của thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng tại quốc gia đông dân nhất thế giới: Niềm tin giữa bên bán và bên mua.
 
Jack Ma luôn nhấn mạnh quan điểm muốn thúc đẩy thanh toán điện tử tại tất cả các thị trường mình tới làm ăn. Ông từng chia sẻ: "Xã hội không tiền mặt sẽ không có tham nhũng, mà không có tham nhũng thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn".

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Eric Jing - Giám đốc điều hành Công ty Tài chính Ant, công ty mẹ của Alipay, cho rằng để tăng niềm tin của người tiêu dùng đang quen dùng tiền mặt sang thanh toán điện tử, tính bảo mật là yếu tố quan trọng nhất từ những ngày đầu xây dựng, phát triển hệ thống, dịch vụ.

Để thay đổi tư của người dùng để hệ sinh thái thanh toán di động phát triển, rất cần môi trường hỗ trợ chính sách từ cơ quan quản lý. Hiện ở Việt Nam 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh, đây là yếu tố cần được tận dụng để giúp khởi gợi sáng tạo và khởi nghiệp trong giới doanh nhân, ông Eric Jing nhận định.

Nhận định về sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ trong hệ sinh thái thanh toán di động, tỷ phú Jack Ma cho rằng các công ty công nghệ cần tới ngân hàng nhưng ngân hàng thậm chí còn cần tới họ hơn thế nữa. Đa phần ngân hàng hiện nay được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin. Khi có dữ liệu, họ sẽ hiểu người dùng tốt hơn.

Thế giới đang tiến tới phi tiền mặt và công nghệ thông tin sẽ gặp nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, các ngân hàng muốn phát triển thì cần phải hợp tác với các công ty công nghệ. Sự hợp tác này mang lại sự tiện lợi, hiệu quả và minh bạch cho người dùng và nền kinh tế. Khi đó, các bên đều vui, vì vậy không có lý do gì để không làm cả, tỷ phú 53 tuổi nói.

"Nếu ai đó phải đi tù vì Alipay, thì đó là tôi"

Nhận định những rủi ro liên quan tới quy định khi tạo ra nền tảng thanh toán điện tử Alipay 13 năm trước, tỷ phú Jack Ma cho biết ông sẵn sàng đi tù nếu sản phẩm này thất bại.

Ông chủ tập đoàn Alibaba cho biết, ngay từ ngày bắt đầu nền tảng thanh toán điện tử Alipay, ông nói rằng để xây dựng niềm tin sẽ đưa ra chính sách nếu dùng Alipay mà mất 1 USD thì sẽ được đền 1 USD, mất 1 triệu USD sẽ được đền 1 triệu USD.

Liên quan tới những thách thức về quy định khi thành lập Alipay vào năm 2014, ông chủ tập đoàn Alibaba nói: "Nếu có ai đó phải đi tù vì Alipay, tôi sẽ đi. Khi tôi đi tù rồi thì anh sẽ là người làm tiếp", tỷ phú Jack Ma nói và chỉ sang ông Eric Jing - CEO Công ty Tài chính Ant, công ty mẹ của Alipay.

Ông Jack Ma khẳng định khi muốn giải quyết các vấn đề của xã hội, của giới trẻ, của doanh nghiệp nhỏ... thì luôn có con đường và luôn có thách thức. Muốn làm thì sẽ làm được, còn nếu không muốn làm thì có cả triệu lý do để không làm.

Năm 2003, trang thương mại điện tử Taobao của Alibaba ra đời, kết nối giữa người mua và người bán trên sàn này tăng trưởng mạnh mẽ nhưng giao dịch sau khi kết nối lại không được như kỳ vọng. Nguyên nhân là hai bên mua - bán không tin tưởng lẫn nhau.

Người mua thì muốn được giao hàng trước rồi mới trả tiền, còn người bán lại muốn nhận tiền rồi mới giao hàng. Ông nhận thấy thương mại điện tử Trung Quốc chưa phát triển bởi khi đó còn thiếu niềm tin giữa mọi người.

Để giải quyết vấn đề mấu chốt ở khâu giao dịch thương mại điện tử, Alipay ra đời với nhiệm vụ chính là bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch trên Taobao. Sau khi chốt đơn hàng, người mua sẽ thanh toán cho Alipay và sau khi họ nhận hàng, không gặp trục trặc gì và xác nhận với Alipay, người bán mới nhận được tiền.

"14 năm trước, khi tôi có ý tưởng Alipay, nhiều người nói sao mà làm được bởi vì người Trung Quốc không có thẻ tín dụng, họ phải xem tận mắt mới mua", tỷ phú Jack Ma chia sẻ.

Năm 2014, Alibaba thành lập Ant Financial để vận hành Alipay và các dịch vụ tài chính khác của tập đoàn.

Hiện nay, Alipay đã có hơn 450 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên với 91 tỷ lượt giao dịch trong năm 2016. Ứng dụng này có mặt ở mọi ngóc ngách đời sống tại Trung Quốc từ nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại cho tới chợ truyền thống, quán vỉa hè.

Alipay hiện cũng mở rộng ra nhiều thị trường khác tại châu Á, châu Phi và châu Âu, thông qua các thương vụ thâu tóm, mua cổ phần hay mở các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán của lượng du khách Trung Quốc khổng lồ đi du lịch nước ngoài mỗi năm.

Nói về giải pháp liên kết, tạo hệ sinh thái thanh toán điện tử, ông Eric Jing - CEO Ant Financial cho biết phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để đưa ra những giải pháp tốt nhất và tiện lợi nhất cho người dùng. Nếu không có sự hỗ trợ ngân hàng, đồng lòng từ Chính phủ thì khó mà làm được.

Chia sẻ tại diễn đàn, tỷ phú Jack Ma nhận định nền kinh tế phi tiền mặt đang đến gần, dù ta có muốn hay không. Không tiền mặt sẽ giúp nền kinh tế minh bạch và hiệu quả hơn, người dân cũng được hưởng những dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi và an toàn hơn. 

Theo Vneconomy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3423
Quay lên trên