Nền móng cho dài hạn…

Cập nhật: 18-04-2023 | 09:31:47

Qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội của quý I-2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cho thấy kinh tế Bình Dương đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Mặc dù tăng trưởng năm 2022 rất cao, nhưng sang đến quý I năm nay, kinh tế vẫn chưa thể bứt phá. Nhìn vào kết quả trong nhiều năm qua thì tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay có thể coi là rất chậm, trong khi đó mục tiêu tăng trưởng được đề ra cho năm 2023 là tăng 8,5-8,7% so với năm 2022.

Như vậy, để thực hiện được mục tiêu này, thời gian còn lại quá nhiều thách thức. Nếu muốn đạt tăng trưởng trong 3 quý còn lại, bình quân mỗi quý cần đạt được mức tăng trưởng tối thiểu trên 10%. Mục tiêu đó là khó khăn và thách thức rất lớn. Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt thấp là do kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất đầu vào tăng, nhiên liệu, chi phí vận tải, logistics đều tăng… nên các doanh nghiệp rất khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở ngành phải kết hợp đồng bộ các giải pháp như chính sách tài khóa hỗ trợ trực tiếp để giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp, mà chủ yếu là thuế, phí; tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm bớt phiền hà, giảm thiểu tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, khơi “dòng chảy” tài chính vào nền kinh tế. Chính sách thương mại cần điều hòa cung cầu, đặc biệt là đối với những mặt hàng nguyên liệu đầu vào…

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và khách quan, dù kết quả kinh tế - xã hội quý I vừa qua so với cùng kỳ năm trước không khả quan và còn nhiều “gập ghềnh”, nhưng so với xu thế khó khăn chung của khu vực và thế giới, cũng cần ghi nhận đây là kết quả vẫn có điểm tích cực và không nên quá bi quan. Trong đó, các ngành chức năng và doanh nghiệp đang thực sự kỳ vọng vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa giữ vai trò chủ chốt, trọng yếu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Việc giảm lãi suất điều hành là động thái đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước. Theo xu hướng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm. Khi lượng cung ứng tiền cho nền kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo, sản xuất phục hồi, phát triển thì chắc chắn lượng cung tiền ra sẽ tăng, lãi suất sẽ hạ. Do đó, khả năng xu hướng lãi suất cao như năm 2022 sẽ không lặp lại, xu hướng chung là sẽ giảm, nhưng giảm dần dần.

Theo dự báo tăng trưởng GDP quý II có thể sẽ sáng hơn, nhưng cũng chưa thể vượt 10% bởi doanh nghiệp chưa thể phục hồi “thần tốc”. Cho nên, điều cốt lõi theo các chuyên gia là khôi phục kinh tế vững chắc, đặt nền móng cho phát triển đường dài thay vì máy móc bám vào mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=638
Quay lên trên