Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023.
Sáng 21/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chủ trì Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết hội nghị nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ủy ban, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy; làm rõ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, rút ra bài học, từ đó thống nhất phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai trong thời gian tới với mục tiêu cao nhất là giảm được nhu cầu sử dụng ma túy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống ma túy năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo về công tác cai nghiện và quản lý sau cai; công tác xác định tình trạng nghiện và điều trị nghiện ma túy; công tác bảo đảm nguồn lực tài chính.
Hiện nay, toàn quốc có 196.110 người nghiện ma túy (giảm 9.071 người so với năm 2021), trong đó 97.212 người đang ở ngoài xã hội (chiếm 50%); 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 15.325 người so với năm 2021); 15.455 người bị quản lý sau cai nghiện; tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung.
Báo cáo của Bộ Công an khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực; đã hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra tại Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa được tăng cường.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách phối hợp hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, trong năm 2022, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.
Trong nước, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng, tuyến hoạt động để tránh sự kiểm soát, phát hiện và bắt giữ của lực lượng chức năng.
Tội phạm ma túy liên quan đến công nghệ cao diễn biến phức tạp. Các đối tượng triệt để lợi dụng tiến bộ của khoa học-công nghệ như sử dụng phương thức thanh toán giao dịch bằng thẻ ngân hàng quốc tế; sử dụng tiền ảo như bitcoin không có giá trị ở Việt Nam nhưng vẫn có giá trị quy đổi và thanh toán ở một số quốc gia; liên lạc qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber, Telegram...) để thực hiện các hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng hiện có những trường hợp ngáo đá đã giết cả người thân trong gia đình, trong khi những đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi.
Theo Thứ trưởng, cần xây dựng phương án phòng, chống ma túy triệt để, cụ thể trong thời gian tới. Đoàn Thanh niên là lực lượng rất quan trọng trong việc tuyên truyền tác hại của ma túy cũng như phát hiện những dấu hiệu buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy.
Đoàn thanh niên cần phân nhóm, đề ra nhiệm vụ, xây dựng chương trình cụ thể, triển khai rộng rãi ở cơ sở. Các cơ quan chức năng tổ chức giao ban công tác phòng, chống ma túy định kỳ để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các phương án, phối kết hợp triệt phá hiệu quả các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy; từ đó tháo gỡ khó khăn….
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết Bộ Công an đã chỉ ra 7 vấn đề tồn tại trong công tác này, và đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, trong đó, tăng cường kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy…
Phó Thủ tướng cho rằng những người nghiện ma túy tổng hợp đang ở ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ án mạng nghiêm trọng đều có liên quan đến những đối tượng ngáo đá. Vì vậy, việc xác định tình trạng nghiện ma túy để quản lý tốt đối tượng này là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định công tác cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ đối với bất kỳ địa phương nào. Đối tượng sử dụng ma túy rất đa dạng, nhưng chưa bao giờ nhiều như hiện nay, nhất là trong giới trẻ.
Hầu hết các cơ sở cai nghiện ma túy đều xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí nhiều nơi rất ọp ẹp, quá tải, không đảm bảo việc phân khu bệnh nhân. Đội ngũ cán bộ gặp nhiều khó khăn, thiếu nhân lực nghiêm trọng, đang cần được giải quyết.
Theo Bộ trưởng, việc trông một người nhà ốm đã vất vả, trong khi một cán bộ trong cơ sở cai nghiện phải quản lý đến vài chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân. Những bệnh nhân này không ổn định về thần kinh nên luôn luôn có những hành động lệch chuẩn khi không vừa ý.
“Lực lượng bác sỹ, nhân viên y tế trong các cơ sở rất trống vắng vì hầu như ít người muốn làm việc trong môi trường đó,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Trước tình hình cơ sở vật chất của các Trung tâm cai nghiện xuống cấp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét nguồn kinh phí bổ sung để khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực làm việc trong môi trường này.
Từ lâu, người nghiện ma túy được coi là bệnh nhân chứ không phải tội phạm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc xác nhận tình trạng nghiện ma túy để có những phương án chữa trị, quản lý hiệu quả.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng các địa phương cần tổ chức rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, nhu cầu thực tế, từ đó xây dựng phương án, đề xuất để Bộ có cơ sở xem xét hỗ trợ.
Về việc xác định tình trạng nghiện ma túy, Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã có 5.171 cơ sở được xác định tình trạng nghiện ma túy, chỉ có các cơ sở cấp xã, tỷ lệ được xác định thấp do cán bộ y tế còn thiếu.
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ y tế có chứng chỉ hành nghề khám bệnh đa khoa cấp xã vẫn thấp, công tác đào tạo đội ngũ y tế này gặp nhiều khó khăn.
Một trong những phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả là sử dụng thuốc thay thế (Methadone). Vừa qua, Bộ Y tế đã thử nghiệm đề án cấp thuốc thay thế nhiều ngày cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện và đã cho thấy hiệu quả cao…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, nhất là Bộ Công an đóng vai trò chủ lực trong công tác phòng, chống ma túy.
Nhấn mạnh các đối tượng liên quan đến ma túy ngày càng tinh vi, trong khi đó hệ thống cơ sở và nguồn nhân lực quản lý người nghiện ma túy đang xuống cấp nghiêm trọng, việc triển khai công tác này giữa các bộ, ngành, địa phương triển khai chưa đồng đều, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên của Ủy ban tăng cường phối hợp, có kế hoạch cụ thể, đảm bảo công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.
Theo TTXVN