Ngân hàng báo 'lãi khủng', doanh nghiệp vẫn gánh lãi suất cao

Cập nhật: 11-04-2021 | 09:04:08

Bức tranh lợi nhuận quý 1/2021 của các ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn khiến nhiều người không khỏi giật mình. Lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay cao đã giúp ngân hàng hưởng “lợi nhuận khủng”.

"Lợi nhuận khủng"

Hết quý 1/2021, nhiều ngân hàng đồng loạt báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, lãi trước thuế quý 1/2021 ước đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Vietinbank. Con số lợi nhuận kể trên chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Đại diện ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cho biết quý 1/2021 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong quý 1 cũng có bước tiến dài về hiệu quả kinh doanh, đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.600 tỷ đồng, tương đương 43% kết quả cả năm 2020. Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) quý 1/2021, đạt lợi nhuận trước thuế 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng báo 'lãi khủng', doanh nghiệp vẫn gánh lãi suất cao

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) ước đạt 698 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2020. Năm nay, SeABank dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng gần 40%, đạt trên 2.400 tỷ đồng cả năm.

Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của hầu hết ngân hàng sẽ tăng từ 55-65% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có thể tăng từ 75-85%. Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế tăng từ 45-55% trong quý đầu năm.

SSI cho rằng, NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) của các ngân hàng quý 1/2021 tăng 0,15% so với cùng kỳ 2020. Cùng với đó, trích lập dự phòng thấp so với quý 1/2020 ở một số ngân hàng. Điều này khiến lợi nhuận tăng.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, bức tranh lợi nhuận quý 1 của các ngân hàng tăng mạnh, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay treo cao đã mang lại khoản “lợi nhuận khủng”.

Nặng gánh lãi vay

Vào tháng 3/2021, sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp, lãi suất tiết kiệm trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng tư nhân lớn. Song mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trước. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ khoảng 3%, từ 6-9 tháng còn khoảng 4-6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3-7%/năm, giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm/năm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng. Những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. So với đầu năm 2020, lãi vay thấp hơn 1 điểm % năm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, mức lãi suất giảm như vậy là không đáng kể. Với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ  8%-8,7%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ từ 4%- 4,3%/năm, tính ra, lên tới từ 11,5%-12,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người phải vay với lãi cao.

Đầu năm, nhu cầu tiêu dùng chưa nhiều, nhất là dịch Covid-19 lại bùng phát, khiến các doanh nghiệp khó khăn. Thế nhưng xăng dầu tăng giá, các loại chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên... cũng tăng trở lại nên nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay giảm để giảm bớt khó khăn. Nhưng có vẻ như lãi suất cho vay chẳng chịu giảm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó phục hồi và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giảm lãi suất là cần thiết. Nhiều doanh nghiệp vẫn trong cảnh khốn đốn, trong khi lợi nhuận ngân hàng tăng cao là bất bình đẳng. Các ngân hàng cần giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay cứu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các dự báo đều nhận định lãi suất huy động sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý 2/2021 do lạm phát có xu hướng tăng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/3 ở mức 1,47%, còn tăng trưởng tiền gửi là 0,54% so với đầu năm. Điều này có thể khiến các ngân hàng tới đây sẽ đẩy mạnh huy động, góp phần đẩy lãi suất tăng. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó giảm.

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên