Thời gian gần đây, nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Lãi suất điều chỉnh tăng
Sau nhiều tháng ảm đạm về lãi suất tiền gửi, để gia tăng thu hút vốn, gần đây nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay khi bắt đầu quý III. Chưa kể, có khả năng kênh bất động sản ấm lại, ngân hàng phải cạnh tranh thu hút vốn với kênh này và kênh chứng khoán.
Theo khảo sát của chúng tôi, bước sang tháng 7 có nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài với mức điều chỉnh tương đối cao, thậm chí đến 0,9 - 1,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1 - 3 tháng có mức tăng phổ biến là 0,1%/năm. Theo đó, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì mức trần lãi suất 4% do Ngân hàng Nhà nước quy định cho kỳ hạn này như SCB, NamAbank, Kienlongbank, Vietabank, PVCombank, GPbank, Sacombank. Đối với các ngân hàng thuộc khối Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank lãi suất gửi tiết kiệm 3 tháng dao động 3,3 - 3,4%/năm.
Nhiều ngân hàng ở Bình Dương áp dụng đa dạng các phương thức thu hút tiền gửi dân cư. Trong ảnh: Hướng dẫn gửi tiết kiệm tự động tại NamAbank Chi nhánh Bình Dương
Từ kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch tương đối lớn, từ 6,1% - 6,8%/năm. Khi gửi tiền online kỳ hạn 6 tháng, khách hàng có thể được hưởng lãi suất 6,85%/năm của SCB; 6,45%/ năm của BacAbank… Đối với những kỳ hạn gửi dài hơn, các ngân hàng cũng tăng lãi suất thêm từ 0,3%/năm trở lên. Hiện SCB với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online. NamAbank tiếp tục duy trì mức lãi suất 7,2%/ năm đối với hình thức gửi trực tuyến…. Như vậy, tính đến nay đã có rất nhiều ngân hàng mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động trên thị trường.
Thu hút tiền gửi
Trước động thái tăng lãi suất huy động, các chuyên gia ngành ngân hàng đánh giá, một trong những nguyên nhân thúc đẩy lãi suất huy động tăng trở lại là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển. Trong bối cảnh ổn định, nhiều ngân hàng thương mại chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt để không bị mất thị phần huy động. “Việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút vốn vào kênh ngân hàng là bình thường, bởi họ cũng cần vốn để đẩy mạnh cho vay sau khi kinh tế phục hồi”, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư (BIDV) Chi nhánh Bình Dương nói.
Mặc dù chỉ vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất trong 2 tháng gần đây, song từ trước đó dòng tiền gửi nhàn rỗi vẫn đang “chảy” vào hệ thống ngân hàng. Báo cáo mới đây của Chi nhánh NHNN tỉnh Bình Dương, cho biết tính đến hết tháng 6 nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 281.432 tỷ đồng, tăng 11,18% so cùng kỳ năm 2021. Cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong cùng thời gian này là 0,47%.
Điều này cho thấy niềm tin vào tiền đồng không hề suy giảm. Vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất có thể được nâng lên thêm khoảng 0,3% - 0,5%% trong năm 2022, dự kiến tăng lên mức bình quân 5,9 - 6,1%/năm vào cuối năm nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/ năm, giai đoạn trước dịch bệnh. Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, trong nửa đầu năm 2022, tốc độ huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng khá hơn so với tín dụng, cho thấy người dân vẫn xem tiết kiệm ngân hàng là một kênh đầu tư quan trọng. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp để thu hút tối đa lượng tiền nhàn rỗi là việc mà các ngân hàng đang tăng cường trong thời điểm hiện nay.
THANH HỒNG