Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra lưu thông khá lớn lượng tiền mệnh giá nhỏ (5.000 đồng trở xuống) song thực tế, nhiều người dân, khách hàng vẫn phải tìm cách đi đổi tiền lẻ hoặc tiền có mệnh giá nhỏ hơn để sử dụng. Nắm bắt được tình trạng này, từ tháng 6-2015, NHNN đã có các chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc tăng cường đưa ra lưu thông loại tiền từ 5.000 đồng trở xuống. Trên cơ sở này, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã chủ động trong việc dự báo nhu cầu tiền mặt của các tổ chức tín dụng, chi ra lưu thông các loại tiền mệnh giá nhỏ lẻ với tỷ lệ hợp lý.
Trong năm 2015 và tháng 1-2016, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã tổ chức tiếp nhận các đợt điều chuyển tiền từ Trung ương, trong đó có tiền lẻ mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống để cung ứng cho nhu cầu chi trả lương, siêu thị, các trạm thu phí cầu đường... nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu thanh toán chi trả của đơn vị, doanh nghiệp. Tổng lượng tiền đưa ra lưu thông tại Bình Dương trong năm qua là 63 tỷ đồng (loại tiền từ mệnh giá 5.000 đồng trở xuống). Riêng trong tháng 1- 2016, chi nhánh đã chi ra 4,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Bình Dương, tổng số tiền lẻ đã chi ra nói trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương cho biết, tiền lẻ đã chi ra thị trường thông qua các tổ chức tín dụng, đơn vị, doanh nghiệp là không thiếu và NHNN luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền nhỏ, lẻ của người dân. Tuy vậy, nguyên nhân cơ bản khiến khu vực tiểu thương chưa tiếp cận thuận lợi với tiền mệnh giá nhỏ một phần do người dân ít giao dịch với ngân hàng; người có giao dịch với ngân hàng như chi trả tiền gửi tiết kiệm, ngân hàng cho vay, người lao động nhận lương, rút tiền qua thẻ ATM… phần lớn có tâm lý không muốn nhận tiền lẻ vì cồng kềnh, khó bảo quản. “NHNN khuyến khích người dân nên mở tài khoản ở ngân hàng để có thể tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích ngân hàng, vừa thuận lợi, an toàn và có thể rút tiền mệnh giá nhỏ dễ dàng khi có nhu cầu”, ông Nu nói.
THANH HỒNG