Trong số trên 24.590 doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước tại Bình Dương hiện nay, có trên 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Có thể nói, sự phát triển kinh tế của Bình Dương thời gian qua có những đóng góp quan trọng của DNVVN. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang tập trung đầu tư vốn vào khối DN này.
Tạo thuận lợi cho DNVVN vay vốn
Nếu như những năm trước, chiếc “bánh” tín dụng dành cho DNVVN chỉ ở mức khiêm tốn thì 2 năm trở lại đây, với những nỗ lực từ Chính phủ và của toàn xã hội, trong đó có hệ thống ngân hàng, cơ cấu tín dụng trong nhóm khách hàng này của hệ thống ngân hàng tại Bình Dương đã và đang tăng mạnh.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, DNVVN là đối tượng quan trọng trong chính sách ưu đãi của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiếp tục gia hạn khuyến mại chương trình “Hợp tác vươn xa”, cung cấp nguồn vốn ổn định cho DNVVN phát triển sản xuất, kinh doanh đến cuối tháng 10-2016. Trong khi đó, để kịp thời hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh cho các DN siêu nhỏ (là những DN có tổng nhu cầu tín dụng dưới 10 tỷ đồng), NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bình Dương triển khai gói tín dụng “Đồng hành cùng DN siêu nhỏ”, gói tín dụng 500 tỷ đồng “DN khởi nghiệp thành công”…
Còn với NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bình Dương đã dành ngân sách 5.000 tỷ đồng cho những gói cho vay DNVVN với mức lãi vay ưu đãi tương đương như các DN lớn. Riêng với NHTM Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDbank) mới đây đã tung gói tín dụng siêu ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng đối với khách hàng DN và cá nhân trên toàn hệ thống. Trong đó, ngân hàng này áp dụng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm, lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm nhằm giúp DN bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động cũng như nguồn vốn trung dài hạn phục vụ các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh...
Có thể thấy, không chỉ có những NHTM cổ phần quy mô nhỏ mà từ vài năm gần đây, các NHTM Nhà nước có quy mô lớn cũng chuyển tâm điểm sang nhóm khách hàng DNVVN. Như vậy, nhiều khách hàng thuộc đối tượng cho vay thể nhân, DNVVN đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay của các NHTM với lãi suất hợp lý.
Khai thác tốt tiềm năng
Nhiều lãnh đạo NHTM chi nhánh tại Bình Dương cho biết, trước đây ngân hàng rất thận trọng cho vay với những DNVVN. Nguyên nhân là do nhóm khách hàng này có hạn chế về quản trị DN, quản lý dòng tiền, khả năng sinh lời, tính khả thi của phương án kinh doanh, hay kinh doanh mang tính chất gia đình... Chính vì vậy, phát triển tín dụng đối với đối tượng DNVVN không đạt cao. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ngân hàng đã thay đổi suy nghĩ và cách làm với đối tượng này vì đây là khách hàng tiềm năng.
“Nhu cầu sử dụng vốn trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất cao. Do vậy, nếu đối tượng khách hàng DNVVN có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính... thì ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng với đúng hạn mức chỉ tiêu mà có thể tăng vượt hạn mức tín dụng nhiều hơn mức Trung ương giao nhằm phục vụ phát triển kinh tế chung tại địa phương” (Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương) |
Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương đã tăng cường đưa ra các gói cho vay DNVVN, mức lãi suất vay không quá 7%/năm. Ngoài cơ chế vay lãi suất ưu đãi, Vietcombank còn hỗ trợ thêm về cơ chế, thủ tục như DN chỉ cung cấp thông tin liên quan đến DN, phần còn lại là các hồ sơ, mẫu biểu... đều do chuyên viên khách hàng của ngân hàng tư vấn và thiết lập hồ sơ kinh doanh cho DN. Chỉ sau 3 ngày làm việc, thậm chí trong vòng 24 giờ, DNVVN, cá nhân có thể được ngân hàng giải ngân. Với cách làm này, tỷ trọng cho vay DNVVN tại Vietcombank Chi nhánh Bình Dương trong 2 năm gần đây đã tăng rất nhanh. Ông Quang cho biết thêm, tiềm năng tín dụng ở khối khách hàng DNVVN đang được ngân hàng khai thác tốt. Năm 2015, ngân hàng cho vay DNVVN đạt 12%; trong 9 tháng năm 2016 tăng lên 14,9% và cuối năm nay có thể đạt 18%. Trong thời gian tới, Vietcombank vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu cho vay DNVVN và thể nhân tăng khoảng 30% vào năm 2018.
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương cho biết, nhìn chung, DN mới thành lập chưa có tài sản, chưa có nhiều vốn để đưa vào; cùng với đó chưa có mối quan hệ, quen biết, đơn hàng... Từ những đặc điểm này, BIDV không chờ khách hỏi vay mà chủ động phục vụ, cung cấp và tư vấn cho DNVVN những giải pháp tài chính phù hợp, cách báo cáo tài chính, dự án sản xuất, mô hình quản lý, cũng như cách quản lý để đồng vốn có khả năng sinh lời… Từ đó đồng vốn ngân hàng cho vay mới đạt hiệu quả cao. “Từ việc chỉ rõ những điểm yếu, hạn chế của DNVVN, đồng thời là người bạn kết nối giữa các đối tác với DN, tốc độ tăng trưởng tín dụng khối DNVVN tại BIDV Chi nhánh Bình Dương thời gian qua đã tăng đáng kể”, ông Linh nói.
DN cần minh bạch tài chính
Tuy vậy, theo phản ánh từ các ngân hàng, để tiếp tục hỗ trợ DNVVN phát triển thì không thể chỉ phụ thuộc vào đồng vốn từ phía các NHTM. Những giải pháp như chính sách tín dụng, cơ chế cho vay, hiệu quả đồng vốn... từ ngân hàng chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn như xây dựng các chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn phát triển của DN như thuế, lãi suất... Đặc biệt, yếu tố tự thân nỗ lực của DNVVN là vấn đề cốt lõi để ngân hàng đẩy mạnh cho đối tượng này vay.
Ông Quang thì cho rằng, tồn tại hiện nay của DNVVN đó là DN vẫn theo xu hướng tự phát, mạnh ai nấy làm, vì thế sự liên kết của cộng đồng DNVVN còn yếu. Bên cạnh đó, các DN này còn quản lý theo kiểu gia đình; đa số chưa có báo cáo kiểm toán rõ ràng, công khai... Nếu DN nhanh chóng hoàn thiện mình, nâng cao năng lực quản trị DN và được đánh giá tốt, ngân hàng sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, có thể cho vay một phần tín chấp, thậm chí cho vay tín chấp hoàn toàn để cộng đồng DNVVN phát triển. Việc này không chỉ có lợi cho DN mà cho cả ngân hàng.
Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương nhận xét, trong 9 tháng qua, chính sách tín dụng đã được NHNN, các tổ chức tín dụng thực hiện một cách linh hoạt; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Điều này thể hiện, trong tổng dư nợ tính đến ngày 30-9-2016 là 111.565 tỷ đồng thì có đến 26.106 tỷ đồng dư nợ đối với DNNVV, với 5.573 khách hàng. Nhìn chung, qua các năm, tỷ lệ cho vay đối với nhóm khách hàng đều có sự tăng trưởng khá đều. Điều đó cho thấy, các ngân hàng đang khai thác tốt tiềm năng này.
THANH HỒNG