Ngân hàng tháo gỡ khó khăn vốn cho thị trường bất động sản

Cập nhật: 10-02-2023 | 08:22:39

Tín dụng ngân hàng luôn là nguồn vốn hỗ trợ đắc lực nhất cho thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua. Do đó, việc kiểm soát tín dụng đối với BĐS đang tạo ra sự ảm đạm trên thị trường. Năm 2023, ngành ngân hàng sẽ có giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

 Các ngân hàng sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vốn cho thị trường BĐS. Trong ảnh: Tư vấn đầu tư vốn tín dụng BĐS cho cá nhân tại Vietcombank Bình Dương

 Nhiều vướng mắc

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, lạm phát toàn cầu tăng cao, hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Bình Dương, thị trường BĐS từ quý III-2021 đến nay cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Bình Dương, các doanh nghiệp (DN) đầu tư, kinh doanh BĐS phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán khiến thị trường có hiện tượng đóng băng tạm thời. Tình trạng BĐS giao dịch thành công hầu như không đáng kể. Giá chào bán, cho thuê BĐS hầu như không có biến động lớn, các chủ đầu tư dự án, DN, cá nhân kinh doanh BĐS vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II-2021. Thậm chí, giá giảm khoảng 20% so với trước nhưng vẫn không tiêu thụ được.

Theo phân tích của ông Phan Cao Phúc, thị trường BĐS hiện nay đang ở tình trạng “đụng tới đâu khó tới đó”. Khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các DN BĐS. Dự án cũ đang nằm trên bàn giấy chờ phê duyệt, còn dự án mới thì siết chặt bởi các quy định, thủ tục. Khó khăn tiếp theo là DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, kế nữa người dân không vay được vốn để mua BĐS do lãi suất vay đang cao…

Để giải quyết những khó khăn cho thị trường BĐS hiện nay, ông Phan Cao Phúc cho rằng cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa Luật Đất đai. Bên cạnh đó, lạm phát đang được kiểm soát, để tránh giảm phát thị trường BĐS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nới room tín dụng cho vay ở lĩnh vực này khoảng 1-2%. Hỗ trợ các DN BĐS vượt khó, ngành ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, quá trình phê duyệt dự án mới cần nhanh hơn…

“Theo tôi, tất cả những điều đó đều có ý nghĩa và quan trọng như nhau trong việc tháo gỡ sự khó khăn cho thị trường BĐS. Vốn tín dụng cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có BĐS, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội. Đó là điều kiện cần và đủ để thị trường BĐS sôi động trở lại”, ông Phan Cao Phúc nói.

Chọn lọc dự án đủ điều kiện

Theo số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh Bình Dương, cuối năm 2022 tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tại địa bàn tỉnh là 85.771 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng dư nợ tín dụng. Số liệu cho thấy, những dự án đầy đủ pháp lý đều được cho vay, những dự án liên quan đến nhà ở phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương, vẫn được ngân hàng cho vay, người dân có thể tiếp cận được. Việc người dân, DN không tiếp cận được vốn tín dụng có thể là do tính pháp lý, như việc không bảo đảm khả năng trả nợ hay vượt khả năng tài chính của người vay.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết dưới sự điều hành của NHNN, các ngân hàng đã đặt vấn đề lĩnh vực BĐS là lĩnh vực rủi ro. Khi cho vay phải xem xét rất thận trọng, dự án phải bảo đảm tính pháp lý thì tiếp cận được vốn tín dụng. Người dân có nhu cầu vốn mua nhà ở thì gần như tất cả đều tiếp cận được để mua nhà. Với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý, ngân hàng không khuyến khích, bởi sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện Vietcombank vẫn đang hợp tác với một số DN kinh doanh BĐS trên địa bàn để tài trợ vốn cho người có nhu cầu mua nhà ở thương mại, nhà ở chung cư, cho vay mua đất xây dựng nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Riêng đối với trường hợp cho vay kinh doanh BĐS không phải không cho vay mà các ngân hàng đều quan tâm đến những dự án đầy đủ tính pháp lý, chủ đầu tư có năng lực tài chính, tính khả thi của dự án, đầu vào đầu ra hợp lý... Vì vậy, hoạt động kiểm soát vốn vào lĩnh vực BĐS vẫn đang được ngân hàng theo dõi và chọn lựa tiêu chí để đầu tư vốn phù hợp.

 Trong cuộc gặp gỡ đầu năm mới với NHNN Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một số ý kiến chỉ đạo liên quan đến ngành ngân hàng. Theo đó, ngoài việc theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp, Thủ tướng cũng lưu ý ngành ngân hàng cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng… Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu DN, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1026
Quay lên trên