Chuyển đổi xanh (ESG) đang trở thành kim chỉ nam trong định hướng sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Đây là một trong những cam kết của nhiều chính phủ trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trong đó, phát triển xanh ngành bao bì trở thành khía cạnh giúp tăng sức cạnh tranh cho DN, quyết định bước tiến tiếp theo của DN. Nếu trước đây bao bì chỉ cần bảo đảm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng thì nay bao bì phải đáp ứng thêm tiêu chí xanh, bền vững. Tại Việt Nam, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực vào tháng 1-2024 buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.
Các chuyên gia cũng khẳng định, ngày càng có nhiều rào cản xanh được đặt ra đối với bao bì ngành lương thực, thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến chiến lược “từtrang trại đến bàn ăn” thuộc thỏa thuận xanh EU. Chiến lược này yêu cầu các sản phẩm muốn vào EU buộc phải xanh hóa vềthiết kế, chất liệu bao bì, tăng cường các thông tin vềcác đặc tính xanh của sản phẩm trên nhãn...
Theo khảo sát của Vietnam Report, tính bền vững của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Cụ thể, có 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường; 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn dù giá cao hơn.
Trước tình hình đó, các DN bao bì có thể cải thiện tính bền vững về môi trường của mình bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu dòng chất thải, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Tương tự, các DN có thể cải thiện tính bền vững về xã hội bằng cách nâng cao sự đa dạng, hòa nhập, phúc lợi công bằng cho nhân viên, đồng thời thúc đẩy hoạt động từ thiện và gắn kết với cộng đồng.
TIỂU MY