Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Kỳ vọng đột phá từ công nghiệp 5.0

Cập nhật: 23-08-2024 | 08:21:19

Cách mạng công nghiệp 5.0 trong ngành gỗ tập trung vào sự phối hợp giữa con người với máy móc. Điều này góp phần nâng cao kỹ năng của người lao động, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất ngành gỗ, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

 Doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ phù hợp, chi phí hợp lý thông qua các hội chợ, triển lãm ngành. Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế máy chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ - BIFA WOOD VIET NAM 2024 tổ chức tại Bình Dương vừa qua

 Thích ứng với đòi hỏi của thị trường

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ 7 tháng năm 2024 đạt 10,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân được xác định là hiện ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn ở thị trường xuất khẩu, khi xung đột xảy ra ở nhiều khu vực, diễn biến phức tạp, kéo dài; các quốc gia xuất khẩu chính siết chặt về tiêu chuẩn, về nguồn gốc xuất xứ hợp pháp nguyên liệu, về tiêu chuẩn môi trường lao động...

Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng trước bối cảnh hiện nay, công tác xúc tiến thương mại nói chung và với ngành gỗ nói riêng rất cần thiết. Trên tinh thần đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh sẽ phối hợp tổ chức Triển lãm quốc tế về giải pháp nội thất thông minh lần thứ 5 (SFS VIETNAM 2024) tại Bình Dương từ ngày 27 đến 30- 11-2024. Đây là một sự kiện xúc tiến thương mại cho ngành gỗ, nội - ngoại thất quan trọng của Việt Nam năm 2024. Triển lãm lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận công nghệ mới và nguồn nguyên liệu hợp pháp của thế giới ngay tại Việt Nam, tiết kiệm chi phí và công sức đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu.

Ở góc độ đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm nói trên, bà Dương Tú Trinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ B.I.F.A, thông tin thêm thông qua SFS VIETNAM 2024, doanh nghiệp sẽ lĩnh hội được những hiểu biết thực tiễn của nền công nghiệp 5.0 và khám phá các công nghệ tự động trong quá trình sản xuất nội thất dạng tấm, nội thất bằng gỗ nguyên khối, ván gỗ và ván lót sàn…

 Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty TNHH MTV SX-TM Danh Tùng (TP.Thuận An)

Lựa chọn công nghệ phù hợp

Bà Huỳnh Thị Phương Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP. Thuận An), cho biết trong bối cảnh tiêu dùng đòi hỏi giá cả thấp hơn, mẫu mã đa dạng hơn thì công nghệ là một cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu. Công ty sẽ tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với năng lực tài chính, bảo đảm năng suất, chất lượng và chế độ bảo hành, bảo trì tốt. Công nghệ đang phát triển nhanh, thay đổi, cải tiến liên tục… song điều công ty cần là sự phù hợp.

Theo ông William Pang, Giám đốc điều hành Pablo Publishing & Exhibition, đồng tổ chức SFS VIETNAM 2024, việc sử dụng máy móc tự động, phần mềm kỹ thuật số có thể thay thế 45% lao động thủ công, qua đó tăng năng suất ít nhất 30 - 40%. “Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn của thế giới. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới ngành gỗ Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc dựa trên nền tảng bền vững…”, ông William Pang nói.

Ông Trần Ngọc Liêm cho hay trong thời gian tới, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ làm việc với các sở, ngành chức năng của các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong vùng Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương, để nắm bắt nhu cầu, tăng cường liên kết, phát triển công nghệ tương thích, kết nối chuỗi cung ứng không chỉ trong ngành gỗ mà còn nhiều ngành công nghiệp thế mạnh khác của vùng.  

 Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh: Chúng tôi luôn nỗ lực tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành gặp nhau, trao đổi thông tin, hợp tác kinh doanh. Sâu xa hơn nữa, qua SFS VIETNAM 2024 nhằm tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện, cung cấp máy móc, công nghệ đến các nhà sản xuất, thương mại. Từ đó đem đến cơ hội để các doanh nghiệp liên kết cùng nhau phát triển một cách bền vững ngay trên sân nhà, cũng như góp phần kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường quốc tế.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=102
Quay lên trên