Ngành công nghiệp chủ lực tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường mới

Cập nhật: 16-08-2024 | 08:55:13

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn cần sự hỗ trợ để tận dụng tốt cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới.       

   

 Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về vốn để khơi thông nguồn lực phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

 Công nghiệp chế tạo duy trì đà tăng trưởng

Theo Sở Công thương, 7 tháng năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,54%. Kết quả tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã cho thấy bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước, cũng như tại tỉnh Bình Dương.

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, các DN sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn vay dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, cùng với đó là tỷ giá đồng USD, chi phí logistics tăng cao... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Khó khăn nữa là khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì cho rằng việc Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, cùng với việc nhiều quốc gia khác siết chặt kiểm soát đối với hàng nhập khẩu, đang tạo ra những trở ngại đáng kể cho các DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có ngành gỗ.

Trong khi đó, theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, các DN ngành da giày đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất của DN là quy định khắt khe về hàng hóa của các nước nhập khẩu. DN buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giấy chứng nhận của nước nhập khẩu. Ngành da giày còn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường nhập khẩu mặt hàng này tăng trưởng đột biến.

Kéo giảm áp lực

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, ngành công thương đang xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; công văn đề nghị các chủ đầu tư cụm công nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời xây dựng và lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương dự thảo bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Qua đó hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành theo định hướng tỉnh đã đề ra, thúc đẩy phát triển các DN theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cũng đề nghị các DN chủ động hơn trong việc tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu; tận dụng cơ hội đẩy mạnh liên kết giữa DN đầu tư nước ngoài với DN trong nước, để thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Các DN, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới; tích cực hơn trong việc phối hợp với các DN trong ngành, các hiệp hội và cơ quan Nhà nước để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, kéo giảm áp lực phát triển.

Theo các DN, Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương cần tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết các DN đang nỗ lực tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Các cấp, các ngành cần có thêm các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính cho DN công nghiệp, đặc biệt DN chế biến, chế tạo để có điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh ổn định; đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; chú trọng nâng cao năng lực các DN nhỏ và vừa.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Ngành công thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ, Bộ Công thương thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ngành cũng hỗ trợ tìm hiểu, kết nối thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng nhằm tăng năng lực phát triển sản xuất, nguồn hàng cho xuất khẩu.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=682
Quay lên trên