Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm nay đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp dệt may Bình Dương.
Nỗ lực giữ thị trường
Theo các chuyên gia trong ngành, giá trị xuất khẩu may mặc của cả nước vẫn tăng trưởng là nhờ các thị trường truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đại diện Công ty TNHH Dệt may Panko Vina (TX.Bến Cát), cho biết nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia thì Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ngành dệt may cao nhất. Cụ thể, theo Bản đồ thông tin thương mại (Trade Map) trong 6 tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm hơn 5%, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, riêng Ấn Độ tăng 5%. Số liệu này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành may mặc cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp may mặc của Bình Dương cần mở rộng thị trường xuất khẩu và quan tâm hơn đến thị trường trong nước. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất mặt hàng quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Đại Tây Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Số liệu thống kê trong tháng 7-2017 cho thấy, ngành dệt may của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng; trong đó ngành dệt tăng 4%, may mặc tăng 7,59% so với tháng trước. Theo các doanh nghiệp may mặc, còn rất nhiều việc phải làm để ngành may mặc của Bình Dương giữ vững thị trường. Đại diện Hiệp hội May mặc Bình Dương thì cho rằng, ngành may mặc đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp, bởi đối thủ cạnh tranh ngày một nhiều, áp lực về nguyên liệu, nhân công… ngày càng tăng. Để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm, bản thân các doanh nghiệp may mặc cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, cho biết sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dệt may trong nước đang gặp không ít thách thức do chi phí tăng cao và quá nhanh. Nhà nước nên nghiên cứu điều chỉnh tăng chậm tiền lương trong vòng hai năm tiếp theo để bảo đảm các hiệp định thương mại nước ta đã ký đi vào thực thi đạt hiệu quả. Nước ta hiện nay không còn sản xuất hàng đơn giản, cơ bản nữa, thời gian đào tạo công nhân phải mất từ 3 - 6 tháng, thậm chí cả năm mới có khả năng may được những mặt hàng cao cấp…
Mở rộng thị trường
Lãnh đạo Công ty TNHH May mặc Đại Tây Dương (TX. Thuận An), cho biết năm 2017 có thể nói là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất từ 9 - 12%, nhưng các nước khác như Campuchia, Lào hay Bangladesh là 0%. Điều đáng nói, trong năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 40% kim ngạch. Đặc biệt, thị trường này hàng năm tiếp tục gia tăng thị phần. Do vậy, ảnh hưởng từ việc Mỹ từ chối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến cho rất nhiều doanh nghiệp may mặc của Bình Dương gặp khó.
Theo Hiệp hội May mặc Bình Dương, ngoài TPP, nước ta còn tham gia nhiều hiệp định thương mại khác, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Liên minh châu Âu (EU) và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. EU là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng 13% trong 2 năm gần đây. Ngoài việc thúc đẩy giao thương, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi sẽ là động lực để các doanh nghiệp trong ngành tháo “nút thắt” ở khâu sản xuất vải của các doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do khác Việt Nam tham gia như với Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ ngày 5-10- 2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trong quá trình đàm phán… sẽ góp phần vào tăng trưởng của ngành dệt may. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp may mặc tại Bình Dương tham gia thị trường xuất khẩu cần quan tâm.
Ngoài việc mở rộng thị trường, đối tác để giảm bớt lệ thuộc vào một thị trường nhất định như Mỹ, EU… các doanh nghiệp may mặc của Bình Dương cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước. Hiện các mặt hàng may mặc của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị trường trong nước. Trong khi đó, đời sống người dân đang được cải thiện, mức chi tiêu cho thời trang chiếm 14% trong thu nhập bình quân của người dân… Đây chính cơ hội cho các doanh nghiệp may mặc chinh phục thị trường nội địa.
XUÂN VĨ