Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), dệt may được đánh giá là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khi với tốc độ tăng trưởng sẽ đạt từ 8 - 10%/năm. Lợi thế nhìn thấy được là sản phẩm dệt may Việt sẽ cần nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Úc, Canada, Chile… trong đó có nhiều thị trường hiện nay Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp Việt Nam thông qua CPTPP sẽ tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối, đồng thời sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành.
Đặc biệt, các quốc gia trong CPTPP sẽ có yêu cầu cao đối với thành viên trong việc tuân thủ lập tức và luôn luôn các cam kết trong hiệp định. Điều này sẽ tác động đến việc thay đổi thể chế, tạo hiệu ứng và động lực (giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, xóa bỏ rào cản thuế quan…) thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, bên cạnh những lợi thế có thể tận dụng từ CPTPP, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể như lượng nguyên phụ liệu sản xuất của ngành phải nhập khẩu với số lượng lớn; quản trị công nghệ, thiết kế thời trang, phát triển thương hiệu còn yếu. Trong khi yêu cầu của CPTPP rất cao, buộc doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn, cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ…
Cái khó lớn nhất chính là nguyên tắc về xuất xứ “từ sợi trở đi”. Bởi sản phẩm dệt may muốn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các thị trường trong CPTPP phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi là nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước nội khối CPTPP. Song, tại Việt Nam, ngành dệt may hiện đang nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc...
P.V