Nông dân TX.Bến Cát: Góp sức phát triển kinh tế

Cập nhật: 05-07-2018 | 00:48:00

 Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo hội viên, nông dân TX.Bến Cát tham gia. Đến nay, đã có hàng ngàn lượt hội viên nông dân thị xã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; nhiều hộ thoát nghèo...

Tích cực thi đua, đóng góp

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả cao, trong 5 năm qua, Hội Nông dân TX.Bến Cát đã hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân trên 24 tỷ đồng, vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 79 tỷ đồng, hội viên khá giúp hội viên nghèo trên 4 tỷ đồng…, góp phần to lớn giúp hơn 1.600 hộ nông dân thoát nghèo.

Bên cạnh đó, qua phong trào, đã có gần 26.000 lượt hộ hội viên toàn thị xã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 84,5% tổng số hộ đăng ký và tăng 24,5% so với nghị quyết Hội Nông dân đề ra.

Cơ sở làm bánh tráng của hộ ông Nguyễn Thanh Răng (xã Phú An, TX.Bến Cát) được đầu tư máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Hội viên Hội Nông dân TX.Bến Cát cũng tích cực phát huy vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, người dân trên địa bàn đã tự nguyện góp hơn 7.300 ngày công, gần 4,8 tỷ đồng để thực hiện 221km đường giao thông; nạo vét, nâng cấp 159km kênh mương, cống rãnh; thực hiện mô hình thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật… Những đóng góp của người dân trên địa bàn đã góp phần tích cực cùng thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Bánh tráng Phú An là một trong những sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống xã Phú An, TX.Bến Cát. Những năm gần đây, công nghiệp hóa và đô thị hóa trên địa bàn diễn ra rất nhanh, cùng với tác động của quy luật thị trường cạnh tranh, nhiều người làm nghề tráng bánh đã bỏ nghề để đi làm công nhân ở các công ty, vì thế làng nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần.

Là người tâm huyết với nghề, ông Nguyễn Thanh Răng cùng một số hộ dân ở Phú An đã nỗ lực vực dậy làng nghề truyền thống bằng việc học hỏi và đầu tư máy móc thiết bị để làm bánh. Ông Răng chia sẻ, với những hộ làm bánh tráng thủ công, làm bánh tráng tuy công sức bỏ ra khá nhiều nhưng ngày nào thời tiết thuận lợi cũng chỉ kiếm được từ 100 - 200 ngàn đồng. Hôm nào trời bất ngờ đổ mưa, bánh phơi không đủ nắng hoặc thu không kịp bị mưa ướt khiến bánh sượng, bị khách chê thì ngày đó coi như làm không công.

 Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở Phú An đã đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh tráng, nhờ đó năng suất được nâng cao hơn. Riêng bản thân ông Răng cũng tự tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi, đến năm 2012 ông mạnh dạn đầu tư mua dàn máy tráng bánh tự động, sử dụng lò hơi áp suất cao để nấu bánh với giá hơn 700 triệu đồng. Từ khi có máy móc, cơ sở bánh tráng của ông đã giảm bớt đi chi phí nhân công, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, năng suất bình quân cơ sở bánh tráng của ông đạt 500kg bánh thành phẩm mỗi ngày. Cơ sở của ông còn giải quyết việc làm cho 20 lao động, mức lương trung bình 200.000 đồng/người/ngày.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Phú An, năm 2014 ông Răng đã làm thủ tục thành lập Tổ hợp tác bánh tráng Phú An với 10 thành viên. Ông Răng cho hay, trước đây thương lái mua bánh thành phẩm tại các cơ sở bánh tráng trên địa bàn xã với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Từ khi thành lập tổ hợp tác, đầu ra sản phẩm ổn định hơn, giá bánh cũng tăng lên 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Tại phường Chánh Phú Hòa, mô hình trồng lan mokara đang phát triển mạnh. Có thể kể đến như mô hình trồng lan của gia đình chị Nguyễn Hồng Diệu, ở khu phố 1B. Chị Diệu cho biết, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân TX.Bến Cát, ban đầu chị trồng thử nghiệm 100m2 lan, sau đó chị mạnh dạn mở rộng đầu tư với diện tích 10.000m2. Các giống lan được chị trồng nhiều là lan cắt cành mokara, denro, catlaigia… Theo chị, các giống lan này có khả năng thích nghi với môi trường, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm tại Bình Dương, nên lan sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Hội Nông dân địa phương, cộng với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng lan, sau khi trừ chi phí, vườn lan mang lại cho chị Diệu thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm. Với mô hình trồng lan và dịch vụ cung cấp hoa tươi, chị Diệu đã giải quyết việc làm thời vụ cho 15 lao động, mức lương từ 4 - 10 triệu đồng người/tháng...

Trên địa bàn TX.Bến Cát hiện còn nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như mô hình nuôi bò vàng, bò sữa ở phường Hòa Lợi, phường Thới Hòa, xã Phú An; mô hình trồng mai vàng ở xã An Tây; mô hình trồng rau an toàn ở phường Mỹ Phước... Điều quan trọng là ở mỗi địa phương đều được Hội Nông dân TX.Bến Cát định hướng phát huy những mô hình làm kinh tế hiệu quả, phù hợp. Từ đó đã góp phần đưa nông nghiệp thị xã phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên