Các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đã không ngừng cải thiện và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm thuốc để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước khác.
Nhu cầu chăm sóc y tế tại Việt Nam đang gia tăng rất nhanh. Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y Tế), nếu năm 2001, tính bình quân tiền thuốc trên đầu người khoảng 6 USD, thì đến năm 2011 đã nhảy vọt lên mức 27.6 USD (tăng gần 5 lần) và dự báo đến năm 2014 sẽ nâng lên mức 33.8 USD. Năm 2013 tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của thị trường Việt Nam đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của thị trường Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng
Trong xu thế đó, các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đã không ngừng cải thiện và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm thuốc để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước khác. Đáng chú ý, trong khi, Việt Nam chưa phải là nước có nền công nghiệp dược phát triển, nhưng chúng ta đã có nền công nghiệp sản xuất vắc-xin.
Việt Nam đã tự sản xuất để cung cấp đủ nhu cầu sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả.
Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine tiêu chảy Rotavin, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sản xuất thành công vaccine này để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), nhiều sản phẩm dược Việt Nam được xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy ngành dược Việt Nam đang vươn mình làm chủ thị trường nội địa, và đang mở rộng xuất khẩu ra các nước khác.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng thuốc từ sản xuất đến tay người bệnh, khâu vận chuyển, bảo quản thuốc hết sức quan trọng. Theo cổng thông tin The Logistics Portal, 25% tất cả các sản phẩm y tế được ước đoán là các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ, và vào năm 2016, hơn phân nữa trong top 50 sản phẩm thuốc phổ biến nhất trên thế giới sẽ cần phải được vận chuyển bằng dây chuyền lạnh. Việc đảm tính toàn vẹn và an toàn cho các sản phẩm có vai trò quyết định.
Tại Việt Nam, các Cty vận chuyển hàng đầu quốc tế như DHL, FedEx, TNT... đều đã có các giải pháp vận chuyển hàng lạnh phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và cho ngành y tế. Ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc khu vực Đông Dương của FedEx đã cho biết, FedEx mang lại các giải pháp tiên tiến, độc đáo, giúp ngành y tế vận chuyển các mặt hàng y tế đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ một cách an toàn, an ninh và hiệu quả hơn. "Mới đây chúng tôi đã giới thiệu những gói bao bì gửi hàng lạnh mới, rất tiện lợi, giúp giữ lạnh ở nhiệt độ từ 2-8 độ C lên đến 96 giờ hay dịch vụ gửi hàng đông lạnh nhiệt độ cực thấp -150 độ C lên đến 10 ngày. Đây là những giải pháp độc đáo và mới hiện đang có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, để ngành công nghiệp dược Việt Nam làm chủ được thị trường trong nước và hòa nhận vào y tế toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực, vươn lên của mỗi doanh nghiệp, rất cần có các cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước, cũng như sự thay đổi nhận thức của đội ngũ thầy thuốc và chính người dân." - ông Bình nói.
Theo DDDN