Ngành gỗ nỗ lực cho mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 21-05-2021 | 09:32:16

Trong năm 2021, trước khó khăn của dịch bệnh Covid-19 cũng như những vấn đề của thị trường nhưng ngành gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực để bảo đảm chất lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.


Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An)

Tự tin trước “biển lớn”

Cùng với kinh nghiệm, bản lĩnh thị trường, các DN ngành gỗ Bình Dương đã vượt qua năm 2020 với mức tăng trưởng khá. Các DN cũng đã đánh giá sâu sát, nhạy bén hơn với tình hình trong năm 2021, quyết tâm đạt mục tiêu chung cả nước là kim ngạch xuất khẩu của ngành này không thấp hơn 15 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng giá trị tuyệt đối tương đương năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 14 - 15% so với năm 2020. Cùng với đó, các chỉ số về sự phát triển của ngành gỗ trong 5 năm qua tại Bình Dương đã chứng minh có sức đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế và rất có triển vọng trong tương lai.

Trong năm 2020, Bình Dương tiếp tục là tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khi giá trị đạt 5,68 tỷ đô la Mỹ, chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đến tháng 4-2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ toàn tỉnh ước đạt 600,7 triệu đô la Mỹ, tăng 9,1% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.168,3 triệu đô la Mỹ, tăng 20,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), với khả năng quản trị, đầu tư và tái cơ cấu của DN trong nước hoàn toàn có khả năng đạt được tăng trưởng cao hơn. DN phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn, đồng thời thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các DN trong nước. DN đang tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.

Tuy nhiên, ngành gỗ đang chứng kiến nguyên lý chung, đó là khi càng phát triển thì rủi ro càng cao. “Năm 2021, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ đô la Mỹ là rất đáng kể và mơ ước của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, kèm theo đó rủi ro sẽ tăng cao hơn. Trong đó, rủi ro lớn nhất là thị trường. Tất cả các quy định về truy xuất nguồn gốc hoặc chất lượng sản phẩm là xu thế chung, chúng ta phải chấp hành và cũng không sợ chuyện này. Trước sự phát triển của ngành gỗ, các DN cần giải pháp căn cơ khi đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các DN”, ông Hiệp chia sẻ.

Bài toán phát triển bền vững

Lãnh đạo BIFA cho rằng để ngành gỗ tại Việt Nam phát triển theo hướng bền vững và có thể cạnh tranh được thị phần của Trung Quốc vẫn cần có khu công nghiệp (KCN) tập trung chuyên ngành và những chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía Chính phủ. Do đó, mong muốn của hiệp hội và các thành viên thời gian tới là Chính phủ cùng tỉnh Bình Dương nghiên cứu, quy hoạch một KCN chuyên ngành dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350ha trở lên. Nếu có KCN chuyên ngành gỗ thì việc tập hợp, chuyên môn hóa trong sản xuất sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy sản xuất lớn với quy trình được liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi sản xuất, phát triển ngành công nghiệp gỗ hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Khi có KCN tập trung chuyên ngành gỗ, ngoài việc giúp các DN gỗ tiết kiệm chi phí vận chuyển, giao thương còn giúp địa phương giảm tải được sức nặng trong vấn đề giao thông. Hơn nữa việc hình thành phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm, hội chợ đủ tầm sẽ trở nên dễ dàng hơn. Từ đó tạo đà xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gỗ Việt, trở thành lợi thế lớn về quảng bá thương hiệu gỗ Việt đến thế giới.

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các DN gỗ phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, hiện nay ngành gỗ là một trong những ngành thế mạnh của Bình Dương với giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển, bảo đảm giá trị bền vững, lâu dài Nhà nước cần xây dựng các chính sách cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, các DN cần có kế hoạch phù hợp như dành ra quỹ đất, cân bằng bài toán kinh tế để tạo tiền đề xây dựng lợi ích dài hạn.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết Bình Dương đã có quy hoạch từ năm 2015 và đã được Chính phủ phê duyệt cho phép thành lập KCN Tân Lập 1, diện tích 200ha để phục vụ cho ngành gỗ dựa theo đề xuất của các DN trong BIFA. Sau quá trình triển khai, các DN không có phương án đền bù cũng như không có đủ quỹ đất nên BIFA xin trả lại dự án và đề nghị sẽ chuyển đến một vị trí khác. Tuy nhiên, Tập đoàn Cao su Việt Nam sau khi nghiên cứu thấy đủ quỹ đất đã gửi văn bản đến UBND tỉnh để lập một KCN tập trung chuyên ngành gỗ. “Vì vậy, tới đây BIFA sẽ họp bàn với Tập đoàn Cao su Việt Nam nhanh chóng hoàn thành một KCN chuyên ngành về gỗ của tỉnh”, ông Bùi Minh Trí khẳng định.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.215 DN chế biến gỗ, trong đó có 905 DN trong nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của DN gỗ trong tỉnh hiện nay là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, gần đây ngành chế biến gỗ của tỉnh còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=436
Quay lên trên